Địa phương tự lập ra và quản lý
Tại Nhật Bản, hiện nay, các loại bất động sản chịu thuế bao gồm đất, nhà cửa và tài sản hữu hình có tính khấu hao khi xác định thuế thu nhập và thuế công ty. Việc đánh thuế này dựa trên hệ thống Luật thuế địa phương do chính quyền địa phương quyết định.
Cơ sở đánh thuế là giá trị đã được định giá của bất động sản chịu thuế được ghi trong sổ đăng ký thuế bất động sản do mỗi địa phương lập ra và quản lý. Mặc dù việc định giá do chính quyền địa phương thực hiện, công thức chung để định giá bất động sản chịu thuế do Bộ Quản lý công, Nội vụ, Bưu chính Viễn thông quy định. Với công thức định giá chung này, việc định giá bất động sản của các địa phương về cơ bản là thống nhất trên toàn nước Nhật nhằm đảm bảo hệ thống thuế công bằng và hợp lý.
Theo quy định pháp lý của Nhật Bản, giá trị đất đai được xác định có tính đến giá trị thực tế trên thị trường của những mảnh đất tương tự. Việc định giá được thực hiện phụ thuộc vào loại đất (đất ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…).
Bên cạnh đó, đất nông nghiệp được định giá tương tự như phương pháp định giá đất ở thông qua việc lựa chọn một mảnh đất tiêu chuẩn ở mỗi khu vực để định giá. Đất nông nghiệp ở các “khu vực đô thị hóa” ở vùng quy hoạch lên thành phố về cơ bản được định giá như đất ở.
Cơ sở đánh thuế đối với đất ở là 1/6 giá trị đối với phần diện tích dưới 200m2 và 1/3 giá trị đối với phần diện tích vượt 200m2. Những tài sản có giá trị thấp hơn các mức sau được miễn thuế: đất là 300.000 yên, nhà là 200.000 yên, bất động sản thương mại là 1.500.000 yên
Luật Thuế tại Nhật Bản cũng quy định, bất động sản sử dụng cho mục đích giao thông công cộng, nghĩa trang, giáo dục, tôn giáo, an sinh xã hội và các mục đích khác quy định trong Luật Thuế địa phương được miễn thuế tài sản. Bất động sản thuộc sở hữu của chính quyền trung ương, quận, xã phường, đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài cũng được miễn thuế.
Mức thuế suất chuẩn là 1,4% giá trị tính thuế
Theo cách tính thuế tài sản tại Nhật Bản, giá trị của nhà được xác định có tính đến chi phí thay thế (chi phí hình thành nên tài sản) cũng như khấu hao tài sản trong thời gian sử dụng. Giá trị tính thuế của bất động sản thương mại cũng được xác định có tính đến chi phí hình thành nên tài sản và khấu hao.
Về thuế suất, trong hệ thống thuế địa phương của Nhật Bản, Luật Thuế địa phương quy định mức thuế suất địa phương mà các quận, thành phố có thể áp dụng. Mức thuế suất chuẩn cũng được quy định trong luật và mỗi chính quyền địa phương phải áp mức thuế suất này khi họ đánh thuế địa phương. Mức thuế suất chuẩn đối với thuế bất động sản là 1,4% giá trị tính thuế. Ngoài mức thuế suất chuẩn thì luật thuế cũng quy định mức thuế suất tối đa cho phép chính quyền địa phương được đánh thuế bất động sản với mức cao nhất là 2,1%. Trong số 3.230 địa phương thì 280 địa phương đã áp dụng mức thuế suất cao hơn 1,4%. Trong cùng một địa phương thì thuế suất đối với đất và nhà là giống nhau.
Đáng chú ý, giá trị của nhà, đất ghi trong sổ đăng ký thuế được điều chỉnh 3 năm 1 lần dựa trên việc điều tra giá đất trên thị trường và chi phí xây dựng đối với nhà cửa. Khi việc đánh giá lại giá trị của tài sản được thực hiện trên toàn nước Nhật, đôi khi giá trị của tài sản được xác định tăng đáng kể. Nhằm tránh việc tăng gánh nặng thuế một cách đột ngột, mức tăng về giá trị tính thuế của đất trong giai đoạn 2000-2002 được giới hạn đến một mức nhất định, bằng với tỷ số giữa giá trị tính thuế và giá trị định giá thực tế của đất.
Giá trị định giá của bất động sản thương mại trong sổ đăng ký thuế được điều chỉnh mỗi năm một lần. Chủ sở hữu của bất động sản thương mại phải báo cáo với chính quyền địa phương sở tại về những thông tin, chi tiết cần thiết để đánh giá tài sản thương mại đó.
Chính phủ Nhật quy định, công dân có quyền đăng ký quyền đối với đất đai hoặc nhà cửa nhằm bảo vệ mình trong các trường hợp mua bán hoặc chuyển nhượng bất động sản. Bộ Tư pháp lưu giữ các hồ sơ đăng ký tài sản này. Chính quyền địa phương có thể sử dụng hồ sơ này trong quá trình kiểm tra sổ đăng ký thuế để xác định mức thuế bất động sản phải nộp khi phát sinh các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản. Chẳng hạn, họ có thể đối chiếu thông tin về chủ ở hữu bất động sản hoặc mảnh đất mà người nộp thuế sở hữu… Đồng thời, các chi nhánh văn phòng của Bộ Tư pháp phải thông báo cho chính quyền địa phương về giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản phát sin tại địa phương.