Phát biểu tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay 19/3, tại Hà Nội, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua dù chất lượng thủy sản xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn tồn tại những lô hàng thủy sản bị trả về, đặc biệt ở thị trường rất quan trọng là Trung Quốc. Cụ thể, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021. Ở thị trường Trung Quốc có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về, trong khi cả năm 2020 số lượng lô vi phạm bị trả về là 6/14 lô. Gần đây phía Trung Quốc cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV). "Nafiqad đã có văn bản gửi cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đề nghị cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu”, ông Phong cho biết. Ông Phong chia sẻ thêm, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục cho những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đơn cử như thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm (màu sắc, mùi vị,..). Nafiqad đã có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc điều chỉnh quy định để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tiêu diệt được virus gây bệnh. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản (lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này từ 1/8/2021). Đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, dựa trên những tín hiệu khả quan của thị trường, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt trên 8,7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thúc đẩy, mở rộng thị trường thì việc giám sát tốt dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản là một nhiệm vụ quan trọng. Ở góc độ này, báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh thủy sản có xu hướng diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 15/3/2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 1.897 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020; ngoài ra có khoảng 105 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi, trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp; các loại mầm bệnh nguy hiểm (AHPND, WSD, EHP,..) còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm. Các địa phương cần có giải pháp khắc phục như quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng; nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh, lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh. Để hàng thủy sản xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu, ông Phong kiến nghị, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh trên địa bàn; giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả...
|