(CMO) Ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau ngày càng "thay da đổi thịt". Có rảo đi nhiều hộ, lắng nghe tâm tư của người dân mới thấy được sự phấn khởi của bà con. Không những đời sống khởi sắc hơn trước, mà từ một ấp còn bộn bề lo toan giờ đây trở thành ấp điển hình về nhiều mặt của xã.
Ấp xoá trắng hộ nghèo
Từng là một trong những ấp nghèo nhất của xã Lý Văn Lâm, nay ấp Ông Muộn phát triển rõ rệt, đã xoá trắng hộ nghèo. Đó là thành quả ngọt ngào từ sự chung lòng của chính quyền địa phương cùng người dân trong mọi việc dù lớn hay nhỏ.
Gạo sạch Ông Muộn đã làm nên thương hiệu.
Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Năm xã đạt chuẩn nông thôn mới, ấp vẫn còn 11 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Đa phần rơi vào các hộ không có tư liệu sản xuất, không thì bệnh ngặt nghèo. Chính từ những trăn trở đó mà chúng tôi không ngừng nghĩ cách tìm kế sách, từng bước gỡ khó để bà con thoát nghèo”.
Chính quyền tập trung rà soát hoàn cảnh từng hộ để có biện pháp hỗ trợ đúng và trúng với thực tế, trong đó nổi bật nhất là xem xét hoàn cảnh gia đình có con em trong độ tuổi lao động giới thiệu đến các công ty, xí nghiệp trong và ngoài xã để làm việc. Đối với các hộ nghèo, cận nghèo có đất, tư liệu sản xuất tiến hành cho họ tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách, cùng đó là hỗ trợ khoa học - kỹ thuật để chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, tìm các mô hình hay để giới thiệu cũng như nhân rộng trên địa bàn.
Song song đó, để tăng hiệu quả cũng như tiếp cận đời sống hộ dân, chính quyền địa phương thiết lập mô hình phân công đảng viên chăm sóc đỡ đầu hộ nghèo.
Ngoài nằm trong vùng ưu thế 182 ha của xã chuyển dịch trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và 96 ha lúa 2 vụ, ấp còn có thế mạnh trồng màu và cũng là ấp có quy mô trồng hoa kiểng nhiều nhất xã. Với 11/16 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha, trồng theo thời vụ cũng được xem là nghề chính giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Chị Trần Bé Hài, một trong những hộ vừa thoát nghèo trên địa bàn nhờ trồng bông vạn thọ, phấn khởi: “Nhà có đất sản xuất nhưng đời sống vẫn còn khó khăn, nhờ địa phương hỗ trợ vay vốn cũng như tập huấn kỹ thuật trồng trọt, đến nay cơ bản đời sống ổn định hơn trước. Nhờ vậy có thể lo cho con đi học, có đồng vốn để xoay xở làm ăn, mua bán”.
Hướng tới nông thôn mới nâng cao
Sau hơn 6 năm về đích nông thôn mới, diện mạo xã Lý Văn Lâm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. Bên cạnh việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được, chính quyền địa phương từng bước phấn đấu hướng đến xã nông thôn mới nâng cao, trong đó ấp Ông Muộn là một trong những ấp đi tiên phong.
Ngày nay, điều mà bất cứ ai đặt chân đến ấp Ông Muộn cũng trầm trồ là sự thay đổi diện mạo. Điển hình như trục đường chính ấp Ông Muộn nối liền ra xã hay các ấp xung quanh. Đường nối đường thẳng tắp, 2 bên lộ người dân trồng, chăm sóc hàng rào cây xanh. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt nhưng những con đường hoa cùng cảnh quan môi trường hết sức sạch sẽ, thông thoáng, đó là nhờ sự ra sức của từng người, từng hộ.
Từ trồng hoa kiểng, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Bà Tôn Thị Tư, ngụ ấp Ông Muộn, phấn khởi: “Nhà tôi chọn trồng hoa mỹ lệ dung, trồng tới đâu trổ đẹp tới đó. Suốt chặng đường dài nối tiếp thành hàng rào, màu đo đỏ ngộ mà đẹp hết sức. Không chỉ trồng ngoài lộ, tôi còn nhân giống trồng xung quanh nhà, vừa ngăn bụi, vừa làm cho môi trường thêm trong sạch. Địa phương vận động phát quang dọn cỏ hay trồng cây gì là mỗi hộ cùng nhau đồng lòng để tạo diện mạo cho nông thôn mới”.
Không chỉ có hạ tầng từng bước được hoàn thiện mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,4 triệu đồng. Trong phát triển kinh tế - xã hội, người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nằm trong vùng chuyển dịch đất nuôi tôm cùng làm lúa 2 vụ nên ấp Ông Muộn được thừa hưởng nhiều lợi ích, từ đó nâng chất lượng cuộc sống của bà con lên.
Anh Trương Chí Nguyện phấn khởi: “Cuối năm 2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn được thành lập. Chủ yếu hoạt động cung ứng gạo sạch ra thị trường và thu mua lúa của bà con, chủ lực vẫn là giống ST24, 6162. Cùng đó là triển khai dịch vụ cắt lúa mướn, vừa tạo kinh phí hoạt động, vừa giúp bà con nông dân có thể cơ giới hoá trong khâu thu hoạch”.
Từ ngày có HTX, việc trồng lúa đơn thuần theo phương pháp truyền thống nay được nâng lên bài bản và kỹ thuật. Cơ bản tuân thủ các biện pháp an toàn để đạt chuẩn VietGAP làm nên thương hiệu gạo sạch Ông Muộn trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn, Bí thư Chi bộ ấp Ông Muộn, chia sẻ: “Mình bao tiêu sản phẩm cho người trồng nên buộc họ phải tuân theo nhu cầu của HTX, tức là đảm bảo chuẩn an toàn về phân, thuốc. Bù lại, giá lúa thu mua sẽ cao hơn bình thường. Bình quân mỗi héc-ta đạt 6 tấn lúa chuẩn VietGAP”.
Để quảng bá thương hiệu gạo sạch Ông Muộn, chính quyền địa phương cùng HTX không ngừng mở rộng xúc tiến thương mại dịch vụ tại các điểm trong và ngoài tỉnh, nhờ đó đem lại cơ hội hợp tác mở rộng liên kết sản xuất. Năm 2020, HTX dự tính thu mua 200 tấn lúa để sản xuất gạo đủ cung ứng ra thị trường. Hướng tới sẽ mở rộng quy mô thu mua ra toàn xã và vùng lân cận.
Bức tranh về nông thôn mới nâng cao đang dần định hình và trên đà hướng đến không chỉ tạo diện mạo mới, sức sống mới, mà còn hướng tới mục tiêu để người dân thực sự được thụ hưởng nhiều lợi ích thiết thực, gắn bó bám trụ và làm giàu chính đáng trên quê hương./.
Năm 2019, ấp Ông Muộn góp phần phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất lúa VietGAP 80 ha (HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ông Muộn tiêu thụ 55 tấn lúa VietGAP). Theo đánh giá chung, HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn và tạo đầu ra các sản phẩm lúa gạo cho bà con. Đến cuối năm 2020, HTX phấn đấu nằm trong 2 HTX có giá trị sản lượng nông sản, liên kết tiêu thụ giữa nông dân với các đối tác kinh tế đạt mức tối thiểu 3 tỷ đồng/năm.