Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được "đồng thuận kỹ thuật" trong các cuộc đàm phán nhằm giảm hoặc đảo ngược các mức thuế mà EU áp dụng đối với xe điện (EV) sản xuất tại Trung Quốc.
Hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế cam kết giá - một hệ thống phức tạp nhằm kiểm soát giá và khối lượng xuất khẩu để tránh bị áp thuế.
Từ ngày 2-7/11 vừa qua, Trung Quốc và EU đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tìm những giải pháp thay thế thuế xe điện. Sau thời gian này, hai bên tuyên bố đã đạt được "tiến triển kỹ thuật" và sẽ tiếp tục thương lượng trong tuần này.
Dẫn lời các nguồn tin không công bố danh tính, CCTV cho biết: “Đồng thuận về cam kết giá đề cập đến một số thỏa thuận nhất định mà hai bên đạt được trong vòng đàm phán vừa qua. Điều này cũng cho thấy cả Trung Quốc và EU sẵn sàng tập trung nguồn lực để đàm phán các lợi ích cốt lõi và hướng đến mục tiêu chung.”
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, EU hiện cho rằng tiến trình đàm phán ít khả năng đạt được thỏa thuận nhanh chóng.
CCTV bác bỏ các thông tin cho rằng Trung Quốc chưa đưa ra đề xuất thỏa đáng với EU và cơ hội đạt thỏa thuận là rất thấp, cho rằng đây là “những thông tin cố tình gây hiểu lầm dư luận và can thiệp vào quá trình đàm phán.”
Trước đó, MG Motor, BYD và các nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc cho biết sẽ duy trì mức giá niêm yết thấp ở EU ngay cả sau khi bị áp thuế cao.
MG, thương hiệu xe điện Trung Quốc bán chạy nhất ở châu Âu, cho biết sẽ đảm bảo giá đến cuối năm 2024, khi đã tích trữ xe trước khi thuế có hiệu lực.
MG, một biểu tượng của nền công nghiệp ôtô Anh, hiện là công ty con của Shanghai SAIC. Phó Chủ tịch của MG Motor France, Julien Robert, cho biết, giá trên thị trường ôtô đã tăng vọt trong những năm gần đây, nhưng mong muốn của hãng là cung cấp những chiếc xe ứng dụng công nghệ, an toàn và ít gây ô nhiễm môi trường cho người lái xe ở Pháp vẫn không thay đổi.
BYD đang mở hàng trăm đại lý trên khắp châu Âu và đang triển khai các chương trình giảm giá cho các mẫu sedan và xe thể thao đa dụng (SUV) của mình.
Theo nhà tư vấn Sebastien Amichi tại Kearney, doanh số bán xe của Trung Quốc ở châu Âu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 300.000 chiếc vào năm 2024 trên tổng số 15 triệu xe trên thị trường, và do đó dễ dàng được trợ cấp.
Theo số liệu năm 2023 của công ty dữ liệu JATO Dynamics, giá xe điện trung bình ở Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với ở châu Âu và Mỹ.
Các nhà sản xuất ôtô của nước này được hưởng một loạt lợi thế về chi phí, từ việc tiếp cận nguyên liệu thô và pin trong nước đến các khoản trợ cấp lớn từ Chính phủ Trung Quốc.
Giá bán lẻ trung bình của một chiếc ôtô điện chạy pin ở Trung Quốc vào khoảng 32.000 euro (35.126,40 USD) trong nửa đầu năm 2023, bao gồm cả các mẫu xe như Seagull của BYD được bán với giá dưới 10.000 euro.
Ngược lại, theo dữ liệu của JATO, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ôtô điện chạy pin ở châu Âu là 66.000 euro.
Hầu hết các mẫu xe giá rẻ hơn đang được phát triển, ở mức khoảng 20.000 euro, sẽ không được tung ra thị trường cho đến ít nhất là năm 2025, trong đó Volkswagen đặt mục tiêu sản xuất xe có giá 20.000 euro vào năm 2027.
Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc như SAIC và BYD đang định giá các mẫu xe điện của họ ở mức chỉ hơn 30.000 euro tại châu Âu, mặc dù các nhà sản xuất này bán chúng với giá thấp hơn nhiều ở thị trường nội địa, cho thấy sự linh hoạt của họ nhưng cũng là sức hấp dẫn của việc bán hàng ở châu Âu.
Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền sắp tiếp quản của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang lên kế hoạch loại bỏ khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho người mua xe điện, một phần trong chương trình cải cách thuế mạnh tay của ông Trump.
Việc chấm dứt khoản tín dụng này có thể gây ra những tác động nặng nề cho quá trình chuyển đổi xe điện tại Mỹ, vốn đang chững lại. Tuy nhiên, đại diện Tesla - nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ - đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chấm dứt trợ cấp này.
Giám đốc điều hành (CEO) Tesla Elon Musk từng cho biết vào tháng 7/2024 rằng việc cắt giảm trợ cấp có thể chỉ ảnh hưởng nhẹ đến doanh số bán của Tesla nhưng sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng” cho các đối thủ xe điện khác tại Mỹ, trong đó có các "ông lớn" như General Motors (GM).
Sau khi thông tin trên được các nguồn tin giấu tên tiết lộ, cổ phiếu Tesla giảm gần 6%, trong khi cổ phiếu của công ty đối thủ Rivian giảm 14%, và cổ phiếu của Lucid, một hãng xe điện khác, giảm 5%.
Việc bỏ trợ cấp xe điện, một biện pháp quan trọng trong Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden, hiện đang được nhóm lãnh đạo mới thuộc chính quyền Tổng thống đắc cử Trump thảo luận. Đứng đầu nhóm này là ông Harold Hamm, tỷ phú trong ngành dầu khí, và Thống đốc bang Bắc Dakota Doug Burgum.
Liên minh Đổi mới ngành ôtô, đại diện cho ngành công nghiệp ôtô Mỹ, đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ giữ lại các khoản tín dụng cho xe điện, coi đây là “yếu tố quan trọng để củng cố vị thế của Mỹ” trong ngành sản xuất xe điện toàn cầu./.