Tình báo Mỹ nghi ngờ Nga tìm cách hỗ trợ ông Trump tái đắc cử
(Dân trí) - Giới tình báo Mỹ tin rằng Nga có thể sẽ tập trung vào các nỗ lực tuyên truyền ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Tại một cuộc trao đổi qua điện thoại với truyền thông ngày 29/7, một quan chức tình báo Mỹ cho biết, cộng đồng tình báo nước này nghi ngờ Điện Kremlin sẽ nỗ lực tuyên truyền để ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắngvới Phó Tổng thống Kamala Harris.
Cuộc trao đổi được thực hiện bởi Trung tâm ứng phó ảnh hưởng xấu từ nước ngoài, một trong vài cơ quan của chính phủ Mỹ tập trung đối phó các chiến dịch tuyên truyền từ nước ngoài.
Các quan chức tình báo trong cuộc họp cho biết phần lớn hoạt động tuyên truyền trực tuyến của Nga đến từ một loạt các công ty thuộc bên thứ ba dưới vỏ bọc là các công ty tiếp thị. Họ chỉ ra một sự cố vào tháng 3, khi Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt 2 công ty bị cáo buộc là điều hành hàng chục trang web tin tứcgiả mạo chủ yếu hướng tới độc giả phương Tây và tạo ra hàng loạt tài khoản mạng xã hội giả để quảng bá.
Vẫn chưa rõ những tài khoản đó có phạm vi tiếp cận bao nhiêu hoặc chúng có hiệu quả như thế nào trong việc tác động đến ý kiến của độc giả. Meta năm ngoái cho biết họ đã xóa những mạng lưới đó khỏi nền tảng của mình. Họ cho hay, các mạng lưới này đã chi khoảng 105.000 USD cho quảng cáo.
Theo một số nhà phê bình, chính phủ Mỹ đôi khi đã cường điệu hóa mối đe dọa từ tuyên truyền nước ngoài.
Gavin Wilde, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: "Nếu không có thông tin chi tiết hơn về các mối đe dọa cụ thể, chính phủ sẽ phải cẩn thận để tránh tạo ra cảm giác sợ hãi về sự can thiệp của nước ngoài".
Giới chức Mỹ vẫn tin ông Trump là ứng cử viên được Nga ưa thích, ngay cả sau khi Tổng thống Joe Biden bỏ cuộc và Phó Tổng thống Kamala Harris được cho là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ.
Nga chưa đưa ra bình luận về đánh giá này.
Trước kia, Văn phòng giám đốc tình báo Mỹ từng cáo buộc Nga đã cho phép hoạt động tuyên truyền rộng rãi nhằm "làm giảm uy tín của ứng viên tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ", trong khi ủng hộ cựu Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua không gian mạng vào năm 2016 và sau đó là hoạt động tuyên truyền vào năm 2020.
Văn phòng giám đốc tình báo Mỹ nhận định, Nga vẫn là mối đe dọa nước ngoài chính đối với các cuộc bầu cử của Mỹ và các ưu tiên ứng cử viên của Nga vẫn giống như năm 2020.
Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.
Khi được hỏi liệu Nga có tiếp tục ủng hộ ông Trump thay vì bà Harris hay không, một quan chức từ Văn phòng giám đốc tình báo cho biết Moscow coi bà Harris là sự tiếp nối chính quyền của Tổng thống Biden nên Moscow sẽ không thay đổi đáng kể cách tiếp cận là ủng hộ ông Trump.
Một quan chức cho biết trong cuộc họp rằng vấn đề chính của Điện Kremlin là chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraine, đây là vấn đề mà ông Trump và bà Harris có quan điểm rất khác nhau.
"Lợi ích cốt lõi của Nga trong cuộc bầu cử này là chống lại các ứng cử viên muốn cung cấp viện trợ cho Kiev, và chúng tôi tin Nga sẽ vẫn tập trung vào điều đó", quan chức này cho biết.
Mỹ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Với tư cách là phó tổng thống, bà Harris đã nhiều lần gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sựước tính 53,7 tỷ USD .
Ngược lại, ông Trump không cam kết sẽ tiếp tục viện trợ lớn cho Ukraine. Một số trợ lý của ông đã đề xuất một bản kế hoạch hòa bình, yêu cầu những nhượng bộ từ phía Ukraine.
Ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử J.D. Vance, thượng nghị sĩ bang Ohio, nhiều lần chỉ trích viện trợ quân sự của Mỹ cho các đồng minh nói chung. Ông nói: "Tôi không thực sự quan tâm dù điều gì xảy ra với Ukraine".
Hải Đăng - Anh Ngọc