Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA), trong khoảng 20 năm qua, ngành hồ tiêu đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. “Với những đóng góp về kim ngạch xuất khẩu và cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu vùng xa, những năm gần đây, ngành hồ tiêu và gia vị đã nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của Chính phủ. Theo đó, Việt Nam hiện chiếm 11% thị phần xuất khẩu gia vị trên thế giới, trong đó đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, quế”- bà Liên cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Liên, năm 2023 là giai đoạn khó khăn của ngành hồ tiêu Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2023 dù lượng xuất khẩu đạt trên 223.000 tấn, tăng đến gần 15% nhưng giá trị chỉ đạt gần 751 triệu USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Về nguyên nhân, theo VPA, do kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến giá giảm. Đáng chú ý, việc giá trị của cây hồ tiêu giảm dẫn đến diện tích trồng loại cây này ở các địa phương cũng giảm mạnh. Thống kê của VPA cho thấy, diện tích hồ tiêu từ mức hơn 130.000 ha trong năm 2020 thì nay đã giảm xuống chỉ còn 120.000ha. “Ước tính 1 ha hồ tiêu thu về gần 2.000 USD, trong khi đó sầu riêng lại lên tới 40.000 USD/ha - tức là cao gấp hơn 20 lần so với hồ tiêu. Có lẽ đây cũng là lí do diện tích trồng hồ tiêu giảm dầndo bà con chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như cà phê và sầu riêng”-VPA chỉ ra. Đó là chưa kể, các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn quản lý dư lượng hóa chất trên sản phẩm hồ tiêu. Đây là thách thức lớn với ngành hàng này trong thời gian tới. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dự báo rằng, trong năm 2024 tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. |