Do đó, cần xây dựng lộ trình tự chủ cho 2 nhóm tổ chức KH&CN để đảm bảo hoạt động của đơn vị và nâng cao hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước (NSNN).
Nguồn thu chủ yếu vẫn từ ngân sách
Theo số liệu khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, hiện nay trên cả nước mới chỉ có 3 tổ chức KH&CN của Bộ Công thương đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư; 4 tổ chức KH&CN đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Còn ở các địa phương, chưa có tổ chức KH&CN tự chủ được chi thường xuyên và chi đầu tư, hầu hết mới chỉ thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc một phần chi thường xuyên.
Từ thực tế thực hiện cơ chế tự chủ tại các địa phương cho thấy, hầu hết các đơn vị đang thực hiện phương án tự chủ đều là các tổ chức dịch vụ KH&CN, tức là sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Đặc biệt, các tổ chức thực hiện tự chủ toàn bộ chi thường xuyên là các tổ chức cung cấp dịch vụ KH&CN liên quan đến kiểm định, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tức độ thương mại hóa rất cao. Do đó, đối với nhiều tổ chức KH&CN, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu, với đặc thù nhiều nhiệm vụ được giao hiện nay là các nhiệm vụ cần bảo mật thông tin, do đó các sản phẩm không thương mại hóa được dẫn đến khó có thể thực hiện cơ chế tự chủ.
Bên cạnh đó, mặc dù đã tự chủ một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên, nhưng phần lớn nguồn thu của các tổ chức KH&CN công lập vẫn xuất phát từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do các cấp có thẩm quyền giao, nguồn thu dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đơn cử tại Long An, mặc dù các tổ chức KH&CN công lập của tỉnh đã tự chủ từ 30-100%, phần lớn nguồn thu của các tổ chức này vẫn đến từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do các cấp có thẩm quyền giao, tức là nguồn thu vẫn bắt nguồn từ NSNN (chiếm đến hơn 70%), trong khi nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ chỉ chiếm dưới 30%.
Ngân sách cấp kinh phí theo hiệu quả hoạt động
Theo bà Nguyễn Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, trong những năm gần đây, khung pháp lý liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các tổ chức KH&CN đã từng bước được hoàn thiện. Sự ra đời của Nghị định 54/2016/NĐ-CP đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các tổ chức KH&CN thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế quản lý theo hướng giao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN công lập, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực này. Đồng thời, bà Ngọc đề xuất các cấp có thẩm quyền cần ban hành quy định cấp phát, tài trợ kinh phí từ NSNN theo hiệu quả hoạt động, hiệu quả đóng góp và giải thể tổ chức hoạt động kém hiệu quả.
Bà Nguyễn Bích Ngọc cho rằng, cần xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cụ thể cho từng loại hình tổ chức KH&CN công lập, đặc thù. Theo đó, có thể áp dụng lộ trình cho 2 đối tượng tổ chức KH&CN công lập tùy thuộc vào mức độ thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ nghiên cứu khoa học của từng tổ chức.
Nhóm 1 bao gồm các tổ chức KH&CN nghiên cứu chiến lược; tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản. Với nhóm đối tượng này, nên thực hiện cơ chế tự chủ với lộ trình dài hạn và chỉ thực hiện tự chủ một phần với tỷ lệ tự chủ thấp trong giai đoạn đầu. Đối với các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, cần bảo mật thông tin thì tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Đối với nhóm 2 là tổ chức dịch vụ KH&CN, cần xây dựng ngay phương án tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và có lộ trình tự chủ chi đầu tư trong trung hạn, sau đó thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Các tổ chức dịch vụ KH&CN là các tổ chức mà sản phẩm, dịch vụ KH&CN có tính thương mại hóa cao, có khả năng mang lại doanh thu ổn định, do đó cần thực hiện ngay cơ chế tự chủ để tận dụng được các lợi thế khi thực hiện cơ chế tự chủ như chủ động về nhân sự, thực hiện cơ chế giá dịch vụ…
Về vấn đề xây dựng cơ chế từng bước đảm bảo nguồn thu cho các tổ chức KH&CN thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, theo bà Ngọc, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để tạo nguồn vốn ban đầu cho các tổ chức KH&CN nói riêng và đơn vị sự nghiệp công nói chung. Sau đó, thực hiện giảm dần số lượng sản phẩm, dịch vụ thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, chuyển dần sang cơ chế đấu thầu, buộc các tổ chức KH&CN công lập phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, chi đầu tư và chuyển sang mô hình doanh nghiệp.
Tư Bùi