Công dân Việt Nam từ Frankurt (Đức) trở về nước làm thủ tục tại Sân bay Vân Đồn
Trong những ngày vừa qua,kèo xiên cùng với nhân dân cả nước căng mình chống dịch COVID-19, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã không quản ngại khó khăn, thử thách, nỗ lực cao nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Sẵn sàng bảo hộ công dân
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu tháng 1/2020, Bộ Ngoại giao đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết, linh hoạt, ưu tiên hàng đầu cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của người Việt Nam ở nước ngoài.
Đầu tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan nhanh tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ và bảo hộ công dân, đặc biệt công dân ở vùng có dịch.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam."
Bộ Ngoại giao đã chủ động công bố và thường xuyên cập nhật thông tin, lưu ý công dân Việt Nam hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước ngoài đã khuyến cáo; khuyến nghị công dân Việt Nam tại các khu vực có dịch nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo, hướng dẫn, tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch của sở tại, hạn chế đi lại nếu không cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại nước sở tại, đảm bảo chăm sóc y tế cho những công dân mắc bệnh, hạn chế những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công dân Việt Nam.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24h, thiết lập kênh liên lạc với đầu mối cộng đồng ở sở tại, đặc biệt tại các khu vực có dịch để thường xuyên cập nhật tình hình, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Đối với các công dân Việt Nam nhiễm bệnh ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, điều trị tích cực.
Điểm tựa cho công dân
Bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ gần 1.500 công dân về nước an toàn.
Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đề xuất phương án đưa một số công dân về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước.
Những biện pháp hỗ trợ kịp thời, chủ động, tích cực bảo hộ công dân Việt Nam đã trở thành điểm tựa tin cậy cho công dân Việt Nam trong những lúc khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Câu chuyện trở về nước của anh Hà Vĩ Lâm (sinh năm 1990, cư trú tại phường 8, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình.
Ngày 18/3, khi vừa nghe tin vợ sinh non khi mới bầu 7 tháng, con phải nằm viện theo dõi, anh Lâm bỏ hết công việc để mua vé máy bay từ Macau (Trung Quốc) quay trở về Việt Nam. Chuyến bay quá cảnh qua sân bay Malaysia, nhưng khi đến đây, hãng bất ngờ thông báo hủy toàn bộ chuyến bay do thực hiện Mệnh lệnh kiểm soát di chuyển (MCO), không cho phép người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian từ ngày 18/3 đến 31/3.
Ngoài ra, khách sạn tại sân bay cũng đóng cửa và không tiếp nhận khách theo yêu cầu liên quan đến MCO, anh Lâm bước vào thế "tiến thoái lưỡng nan," mắc kẹt tại sân bay Kuala Lumpur và phải tạm ở tại khu vực chờ quá cảnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã kịp thời gặp gỡ anh Lâm. Ngoài việc hỗ trợ tiền ăn theo quy định về việc sử dụng kinh phí từ Quỹ hỗ trợ công dân, Đại sứ quán tìm kiếm các chuyến bay để đặt vé cho anh Lâm về nước.
Vượt qua khó khăn, tối 4/4, anh Hà Vĩ Lâm được Đại sứ quán hỗ trợ về Việt Nam trong niềm vui sướng, xúc động của gia đình và người thân.
Tương tự, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước đưa 7 công dân bị kẹt tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Thủ đô Bangkok về nước.
Các công dân Việt Nam bị mắc kẹt gồm có nhóm 5 công dân Việt Nam (bay từ Ethiopia, dự kiến quá cảnh sân bay Survanabhumi ở Bangkok) bị mắc kẹt tại đây từ ngày 25/3. Hai người còn lại là khách du lịch không được nhập cảnh Campuchia nên phải quay lại sân bay Suvarnabhumi và cũng không được nhập cảnh Thái Lan theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và Luật kiểm soát dịch bệnh của đất nước này.
Ngay khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tích cực tìm các đường bay về Việt Nam. Tuy nhiên, các hãng hàng không có đường bay trực tiếp giữa Bangkok và Việt Nam đều đã dừng bay từ ngày 24/3.
Trong lúc chờ đợi, Đại sứ quán thường xuyên giữ liên lạc, thăm hỏi và động viên tinh thần; cung cấp thức ăn và đồ dùng cần thiết, đồng thời liên lạc với nhà chức trách sân bay để giải quyết những yêu cầu trước mắt của công dân.
Đặc biệt, với sự vận động của Đại sứ quán, nhiều kiều bào hảo tâm đã quyên góp thức ăn cùng nhiều đồ dùng thiết yếu tiếp tế cho nhóm công dân này.
Cuối cùng, sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan trong và ngoài nước nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân của Đại sứ quán và các cơ quan chức năng đã được đền đáp xứng đáng. Chuyến bay chở hàng mang số hiệu VN610 khởi hành lúc 17 giờ 20 phút ngày 9/4 đưa 7 công dân Việt Nam trở về Tổ quốc.
Trước khi lên máy bay, các công dân xúc động cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã không quản ngại khó khăn, với tinh thần ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân.
Những nỗ lực âm thầm
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số công dân bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế nước ngoài do các quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi các chính sách về xuất nhập cảnh, quá cảnh; các hãng hàng không dừng hủy và thay đổi lịch trình bay; một số công dân gặp khó khăn về thị thực lưu trú tại nước ngoài do không tìm được chuyến bay về nước… Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang cố gắng, nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để tháo gỡ các khó khăn cho công dân Việt Nam.
Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác định ưu tiên cao nhất cho việc hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh Việt Nam tại đây. Từ rất sớm, Đại sứ quán đã chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh; lưu ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, khuyến cáo về đi lại của sở tại, cũng như các quy định về xuất nhập cảnh, thực hiện cách ly ở trong nước; kịp thời phối hợp hỗ trợ giải tỏa các trường hợp bị “kẹt” tại sân bay.
Bên cạnh việc duy trì các kênh thông tin liên lạc và đường dây nóng 24/7 để hỗ trợ, tư vấn cho học sinh, sinh viên Việt Nam, Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ và các chi nhánh của Hội tại các bang để phổ biến thông tin, kết nối hỗ trợ cho du học sinh.
Trước quan ngại về sự quá tải của hệ thống y tế, an sinh xã hội, về khả năng có những thay đổi bất lợi cho công dân nước ngoài trong chính sách của nước sở tại, Đại sứ quán tích cực trao đổi thông tin và vận động các cơ quan chức năng sở tại thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam đang ở Mỹ, trong đó có việc gia hạn thời gian lưu trú và tạo điều kiện cấp mới thị thực.
Liên quan tới công tác bảo hộ công dân tại Italy, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã lập tổ công tác để triển khai các nhiệm vụ cụ thể hằng ngày; lập đường dây nóng; thường xuyên cập nhật thông tin, chuyển tải các cảnh báo và các chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam như cách ly người đến từ vùng dịch, tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng thiết lập kênh thông tin thường xuyên đối với các nhóm cộng đồng người Việt tại các vùng dịch, với cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Italy, đồng thời liên hệ với các cơ quan, chính quyền sở tại như Bộ Ngoại giao Italy, Cơ quan Bảo hộ Dân sự, chính quyền địa phương tại các vùng tâm dịch, các Lãnh sự Danh dự của Việt Nam tại Torino và Napoli để nắm bắt tình hình và cập nhật thông tin về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh của nước sở tại, cũng như thông tin liên quan đến người Việt tại Italy.
Tương tự, với mục tiêu cao nhất nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Kuwait, đồng thời không tạo thêm gánh nặng và khó khăn đối với trong nước, Đại sứ quán coi trọng công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo thông tin thông suốt, đầy đủ và chính xác giữa Đại sứ quán và cộng đồng người Việt, cũng như giữa Đại sứ quán với các cơ quan chức năng nước sở tại, nhất là trong bối cảnh có nhiều tin giả xuất hiện trên các trang mạng xã hội.
Theo Đại sứ Trịnh Minh Mạnh, việc sử dụng đa dạng các kênh thông tin với cộng đồng người Việt, đặc biệt việc sử dụng truyền thông xã hội là một trong những cách làm hiệu quả nhằm giúp họ hiểu rõ về tình hình dịch COVID-19.
Trước những nỗ lực của các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi thư động viên, biểu dương tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả, chủ động ứng phó với dịch COVID-19; đồng thời nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan đại diện trong thời gian tới là phát huy vai trò người đứng đầu, đoàn kết, tập trung cao độ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác bảo hộ công dân, chủ động phòng, chống dịch COVID-19, chăm lo đời sống và sức khỏe của cán bộ và thành viên cơ quan đại diện.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, quán triệt tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực cao nhất để làm tốt công tác bảo hộ công dân, thực hiện đúng chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Dù sinh sống, học tập và làm việc ở nơi đâu, không phân biệt tuổi tác và địa vị xã hội, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền được bảo vệ an toàn về sức khỏe và tính mạng.
Những nỗ lực và kết quả công tác bảo hộ công dân giữa đại dịch COVID-19 đã tô thắm nghĩa đồng bào, thắt chặt tình đoàn kết, nhân lên tinh thần tương thân tương ái - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần hiệp lực cùng nhân dân trong nước sớm dập dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên quy mô toàn cầu.
Theo vietnam+