Cụ thể, tính đến ngày 12/7, TPHCM chỉ còn 68/273 chợ đang hoạt động; có 4 siêu thị và 3 đầu mối đang tạm ngưng do liên quan đến xuất hiện ca nhiễm Covid. Một số chợ truyền thống tạm ngưng cũng liên quan đến các ca Covid-19, tuy nhiên cũng có một số chợ truyền thống do địa phương căn cứ theo bộ tiêu chí an toàn không đảm bảo nên địa phương yêu cầu tạm ngưng phục vụ. Về vấn đề nguồn cung ứng hàng hóa tại một số nơi thiếu cục bộ, chủ yếu hàng tươi sống, ông Phương cho biết Sở Công Thương đã có kế hoạch cung ứng đầy đủ đáp ứng yêu cầu. Các siêu thị đều có kho dự trữ nên không thiếu hàng. Sở Công Thương cũng đã vận động các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, đặc biệt là các cửa hàng tiện lợi trong khu dân cư bổ sung thêm mặt hàng thực phẩm tươi sống. Nhưng do những cửa hàng này nhỏ, không có dự trữ, nên khi người dân tập trung mua nhiều, cửa hàng không kịp bổ sung thêm hàng hóa dẫn đến có những thời điểm bị hết hàng. “Trên tổng thể, TPHCM vẫn đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân” – ông Phương khẳng định. Đối với thông tin về một số mặt hàng tăng giá, ví dụ như bắp cải giá 120.000 đồng, ông Phương cho biết, qua kiểm tra cho thấy đây là sản phẩm hữu cơ nhập khẩu, phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp. Tuy nhiên do thiết kế bao bì chưa phù hợp nên gây nhầm lẫn với mặt hàng thông thường. Theo đó, ông Phương khẳng định giá cả tại các hệ thống siêu thị không tăng giá. Đại diện Sở Công Thương cũng thông tin, trong 1-2 ngày tới, sở sẽ xem xét cho mở cửa trở lại một phần tại chợ đầu mối Thủ Đức trên cơ sở đánh giá các điều kiện phòng chống dịch tại các chợ này. Riêng chợ đầu mối Hóc Môn, sở đã nhận được phương án của ban quản lý chợ nhưng chưa được thống nhất hoàn toàn vì còn chờ UBND huyện Hóc Môn phê duyệt. Riêng chợ đầu mối Bình Điền do nằm trong khu phong tỏa nên chưa thể mở cửa trở lại. Thời gian qua, dù các chợ đầu mối đóng cửa, song các thương nhân vẫn tiến hành nhận hàng từ các tỉnh và phân phối cho các kênh khách hàng quen thông qua điện thoại, internet bằng những chuyến hàng đã được chia nhỏ. Cụ thể, các thương nhân, thương lái thực hiện nhận hàng qua chành vựa của gia đình, thuê kho để tập kết hàng từ các tỉnh, sau đó phân phối thông qua các xe tải nhỏ, xe chuyên dùng có kích thước nhỏ để bán cho các chợ truyền thống và các điểm mua bán. |