(CMO) Chưa bao giờ cụm từ “Phát triển bền vững” lại được sử dụng dày đặc, thường xuyên như bây giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các văn bản và bài phát biểu của cán bộ lãnh đạo các cấp đến vậy. Đó là điều tất yếu, khi chúng ta đã và đang đối mặt với một thực trạng: Phát triển nhưng chưa thật sự… bền vững.
Nuôi tôm sinh thái là mô hình phát triển kinh tế bền vững của huyện Ngọc Hiển. |
Có ý kiến cho rằng, phải chi cụm từ này được phát hiện và ứng dụng vào thực tiễn sớm hơn thì những hệ luỵ như nguồn tài nguyên khoáng sản dần bị cạn kiệt, vấn đề ô nhiễm môi trường sống, môi trường nước, môi trường biển, nhiều diện tích rừng bị tàn phá… đã không diễn ra. Song, phát triển bền vững không chỉ gói gọn mỗi lĩnh vực kinh tế: khoáng sản, tài nguyên, môi trường, lao động… mà còn bao trùm lên tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Chẳng ở đâu xa, ngay tại Cà Mau, dù là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ chậm so với cả nước, song, hệ luỵ về phát triển kinh tế chưa bền vững dần dần hiện rõ. Còn nhớ cách nay không lâu, Cà Mau là vùng đất từng được mệnh danh “Rừng vàng, biển bạc” với vô vàn sản vật đa dạng, phong phú từ hai hệ sinh thái mặn - ngọt. Rừng đước, rừng tràm trải dài vô tận; biển đầy ắp cá tôm; trên những cánh đồng lúa là vô số cá đồng…
Cùng với thời gian, việc khai thác không gắn với bảo tồn, tái tạo (thậm chí còn khai thác theo kiểu tận diệt) đã làm diện tích rừng bị thu hẹp dần, biển không còn hào phóng như trước, môi trường sống, nhất là môi trường sản xuất… bị đe doạ nghiêm trọng. Hậu quả là thời tiết diễn biến thất thường không theo quy luật tự nhiên, số cơn bão “ghé” thăm Cà Mau ngày càng nhiều hơn; ngư phủ thì làm liều khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt bớ, phạt vạ; những dòng sông đục ngầu màu đen, hôi thối do nước thải công nghiệp chưa xử lý làm tôm cá dạt bờ...
Nói về sự phấn đấu của Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Về kinh tế, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và phấn đấu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới. Kinh tế vĩ mô Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao mà còn kiểm soát tốt lạm phát; khả năng dự trữ, chống chịu của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là dự trữ ngoại tệ, lương thực, năng lượng…
Về xã hội, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Về môi trường, Việt Nam đã xử lý nghiêm khắc các sự cố gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sang các ngành kinh tế thân thiện với môi trường.
Trở lại câu chuyện “Phát triển bền vững” không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà sâu thẳm nội hàm bên trong xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức và hành động đúng của tất cả mọi người. Nói cách khác, để đạt mục tiêu “Phát triển bền vững” là cả một quá trình thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích, ý nghĩa thực sự của sự phát triển. Hơn ai hết, mỗi chúng ta đã và đang thấm thía với những bài học đắt giá của sự phát triển không bền vững. Vì thế, phát triển bền vững là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi cá nhân. Đó không chỉ là trách nhiệm của mỗi chúng ta về xã hội hiện tại mà còn trách nhiệm đối với thế hệ tương lai./.
Đỗ Chí Công