Tiếp sức trong “cuộc đua” tại thị trường quốc tế Nêu ý kiến tại toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức vào ngày 12/11/2024, các doanh nghiệp đã đề nghị cung cấp nhiều hông tin thị trường, đối tác quốc tế. Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, tình hình thế giới đang biến đổi nhanh chóng và khó dự đoán, nên cộng động doanh nghiệp mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam là cầu nối tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong “cuộc đua” trên trường quốc tế. Nêu ý kiến cụ thể, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đến nay vẫn chưa như tiềm năng. Nuốn tăng trưởng, các doanh nghiệp phải hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, hiểu dung lượng thị trường, cũng như văn hoá thị trường khi mỗi một văn hóa lại có nhu cầu về sản phẩm dệt may khác nhau. Trong bối cảnh như trên, đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin thị trường, thông tin pháp luật tại các quốc gia.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đề nghị các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối giới thiệu các đối tác có nhu cầu hợp tác đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, tài trợ nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Bên cạnh đó cần quan tâm, thực hiện nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính như về thị thực, visa… cho các đoàn đối tác, các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác khi có chương trình sang Việt Nam công tác. Ông Nguyễn Vân cũng đề nghị các cơ quan này phối hợp với các bộ, ngành trong nước như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ… để thẩm định, kịp thời thông quan cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi nhập khẩu các máy móc, thiết bị sản xuất chế biến chế tạo về Việt Nam. Ứng phó trước nhiều biến động Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, song các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã đưa ra nhiều lưu ý cho các doanh nghiệp khi thị trường quốc tế đang có nhiều thay đổi. Theo bà Nguyễn Lê Thanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đan Mạch kiêm nhiệm Ireland, Đan Mạch là quốc gia có khí hậu ôn đới, nên người dân có nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới, mà đây lại là thế mạnh của Việt Nam. Thống kê từ cơ quan Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2024, Việt Nam suất siêu sang Đan Mạch những mặt hàng liên quan đến dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ… Nhưng để tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Đan Mạch, bà Thanh đề nghị các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và suất khẩu những sản phẩm liên quan đến phát triển bền vững. Bởi người dân Đan Mạch đang có xu hướng tiêu thụ những sản phẩm đảm bảo bảo vệ môi trường và sức khỏe, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Còn theo bà Trần Thị Thu Thìn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mozambique kiêm nhiệm Madagascar, Seychelles, Mauritius và Comoros, thị trường châu Phi nói chung và thị trường Hồi giáo (Halal) nói riêng đang có nhiều tiềm năng phát triển. Nhưng thị trường Halal có rất nhiều tiêu chí và tiêu chuẩn riêng và khắt khe, không chỉ là những sản phẩm không chứa cồn, không chứa thịt lợn mà còn nhấn mạnh đến giá trị đạo đức, việc tuân thủ các quy trình về phát triển bền vững trong sản xuất. Do đó, bà Trần Thị Thu Thìn đề nghị các doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin và các quy định liên quan đến chứng chỉ Halal, xây dựng quy trình đáp ứng cũng như liên hệ các trung tâm chứng nhận uy tín, để qua đó có thể thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu. Ngoài ra, sự kiện đáng chú ý gần đây là ông Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ, nên theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền – đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, New York (Mỹ) cho biết, chắc chắn các chính sách về đối nội và đối ngoại của chính quyền Mỹ sẽ có sự thay đổi. Trong đó Thứ trưởng Bộ Ngoại giao lưu ý đến việc Mỹ có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại. Vì thế các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để ứng phó khi chính quyền Mỹ có thể áp thuế cao hơn, hoặc có các biện pháp mạnh hơn để yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam là nơi trung chuyển, gia công hàng hóa để xuất khẩu, nên càng cần quan tâm về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, cũng như có các giải pháp nâng cao nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Cùng với những hỗ trợ từ cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, kiêm nhiệm Liên bang Micronesia cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ các cơ quan ở nước ngoài trong việc tìm kiếm, kết nối đối tác, xúc tiến thương mại, cũng như tăng cường thông tin chính sách để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. |