PGS.TS Phạm Ngọc Trung
Vang bóng thời “tứ đại đồng đường”
Thưa ông,ĐưachamẹvàoviệndưỡnglãoChưaphùhợket qua bong hôm nay gia đình xưa có rất nhiều thế hệ chung sống với nhau trong một mái nhà song hiện nay những gia đình “tứ đại đồng đường”, “tam đại đồng đường” như vậy rất hiếm. Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?
Theo tôi, những nền văn minh nông nghiệp luôn cần sức lao động nên giữa các thế hệ và các thành viên phải liên kết rất chặt chẽ với nhau. Còn xu hướng đô thị hóa và hiện đại hóa như hiện nay, rõ ràng sự phân công lao động trong xã hội cũng như trong gia đình là khác nhau dẫn đến tình trạng gia đình đi vào những đơn vị nhỏ mà người ta gọi đó là gia đình hạt nhân, tức là gia đình chỉ có hai thế hệ - vợ chồng và con cái cùng chung sống. Hiện còn rất ít những gia đình chung sống ba thế hệ. Đó là xu hướng của thời hiện đại. Dù nước ta mới bước vào thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa trong vòng gần 30 năm, nhưng dấu ấn đó đã tương đối rõ nét, đặc biệt là trong lòng các thành thị.
Ngay trong các gia đình hạt nhân vốn đã rất nhỏ, từng thành viên cũng lại tất bật với nỗi lo riêng và sợi dây gia đình càng trở nên lỏng lẻo, sự bất đồng quan điểm trong lối sống, cách suy nghĩ giữa các thành viên càng nới rộng?
Xu hướng này có hai mặt.
Trong văn hóa Việt Nam, các cụ có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”, nghĩa là khi con cái còn nhỏ thì phải nương nhờ cha mẹ và khi cha mẹ già yếu thì phải nương nhờ con cháu. Liên kết gia đình theo kiểu xưa với đặc trưng là sự ràng buộc quá chặt chẽ của con cái vào cha mẹ, đặc biệt là quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như thời phong kiến thì đúng là kìm hãm sự phát triển, có thể còn gây ra những mâu thuẫn không tốt trong gia đình. Do vậy xu hướng này tích cực ở chỗ mỗi thế hệ đều có một cuộc sống riêng của mình. Cha mẹ nuôi con trưởng thành rồi khi con có gia đình riêng, nhiều bố mẹ cũng không muốn ở với con cái, hoặc ngược lại, con cái cũng muốn tách ra để ở riêng. Điều đó tạo thời cơ cho cả hai thế hệ cùng được tự do.
Thế nhưng, ngược lại, nếu chúng ta không cẩn thận thì xu hướng đó sẽ lấn át, chủ nghĩa cá nhân phát triển sẽ tác động xấu đến gia đình, mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo, các thành viên đều sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm thì rất nguy hiểm.
Tốt hay xấu ở đây phụ thuộc vào cách ta hiểu và ứng xử. Nếu ứng xử hài hòa thì xu hướng “mỗi thành viên có cuộc sống riêng” sẽ tạo ra tự do cá nhân, giải phóng sức lao động, sức sản xuất, làm cho gia đình hạnh phúc. Nếu chúng ta không có quan niệm đúng, không có sự chuẩn bị đầy đủ thì lối sống ấy lại trở thành vấn đề bức xúc, âm ỉ dẫn tới những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình mà người ta gọi là mâu thuẫn thế hệ: Cha mẹ không thông cảm cho con cái, khi con nhỏ thì quan tâm chăm sóc, khi con lớn rồi lập gia đình thì lại xa cách, cảm giác bị san sẻ tình cảm với chồng/vợ của con; ngược lại con cái có thể oán trách cha mẹ, chỉ nghĩ đến trách móc, không nghĩ đến phụng dưỡng, thậm chí còn vô ơn.
Người già sống ở viện dưỡng lão sẽ xu hướng phát triển mạnh
Liệu rằng việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có phải là một cách làm phù hợp với xu thế gia đình Việt hiện nay?
Chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này dựa trên những hoàn cảnh cụ thể. Thứ nhất có thể là bậc cha mẹ thích được vào ở trong nhà dưỡng lão. Có những cụ thích tự do, vào viện dưỡng lão các cụ được ăn uống, sinh hoạt, hát hò, xem phim, được giao lưu với bạn bè cùng lứa tuổi. Các cụ thích điều này nên không bị bức xúc, ức chế tinh thần, đó là điều tích cực.
Người già sống ở viện dưỡng lão sẽ là xu hướng phát triển mạnh
Thứ hai nếu cha mẹ bị con cái ép đưa vào viện dưỡng lão do con cái quá bận rộn hoặc không yêu thương cha mẹ, gửi cha mẹ vào việc dưỡng lão để thoái thác trách nhiệm thì rất không nên. Trước tiên, nó có thể làm cho cha mẹ họ đau buồn. Thứ hai nó sẽ tạo ra một tấm gương xấu, con cái họ sẽ nhìn vào cách bố mẹ mình đối xử với ông bà rồi sau này áp dụng với họ y như vậy.
Thứ ba là về mặt quản lý Nhà nước xem các nhà, viện dưỡng lão ấy có đủ tiêu chuẩn, khả năng để phục vụ người già hay không. Xu hướng người già sống trong các viện dưỡng lão rất nhiều ở châu Âu, ngay như Nhật Bản và Hàn Quốc họ cũng đưa ra những mô hình dưỡng lão rất hay để thỏa mãn nhu cầu của mọi người. Ở nước ta, viện dưỡng lão ít, dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng chưa tốt, giá thành cao nên chỉ hợp với các gia đình có điều kiện.
Từ những lý do trên, tôi thấy xu hướng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão chưa thực sự phù hợp với tâm lý cũng như điều kiện kinh tế, đời sống hiện nay của đại bộ phận nhân dân nước ta.
Vậy những cụ già chủ động nhờ con cái đưa mình vào sống ở viện dưỡng lão có phải là một suy nghĩ tích cực và đó có phải là xu hướng của tương tai, thưa ông?
Hiện nay suy nghĩ này chưa thể hiện rõ lắm nhưng trong 20 năm tới chắc chắn nó sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh. Tích cực hay tiêu cực thì lại tùy vào trường hợp cụ thể. Với những cụ thích vào nhà dưỡng lão vì các cụ muốn có cuộc sống riêng tư, nhất là những cụ đơn thân được tự do sử dụng quỹ thới gian, có bạn bè để giao lưu thì đó cũng là một hướng mở.
Mô hình lý tưởng của gia đình Việt
Thưa ông, vậy chúng ta phải làm thế nào để có sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình với nhau mà lại phù hợp với hoàn cảnh, lối sống hiện đại? Mô hình lý tưởng của gia đình Việt hiện nay là gì?
Một số gia đình tương đối khá giả họ đã áp dụng mô hình gia đình ba thế hệ nhưng không ở chung một nhà, họ ở riêng hoặc mua một số căn hộ gần nhau. Bố mẹ ở riêng một căn hộ, các con từng đôi vẫn ở riêng một căn hộ khác và hàng tuần vẫn có thể giao lưu gặp gỡ với nhau, hàng ngày vẫn có thể chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau mỗi khi có công việc hay ốm đau mệt mỏi. Cách làm này vẫn bảo đảm được cái riêng cho từng gia đình đơn lẻ song vẫn liên kết các gia đình với nhau một cách tiện lợi. Thế nhưng để thực hiện được điều này không hề dễ dàng, thường là những gia đình khá giả mới đủ điều kiện để chọn cho mình cách sống như thế.
Mô hình này nếu làm có định hướng và tính toán thì sẽ trở nên rất tích cực song nếu cũng là mua nhà gần nhau nhưng các thế hệ, thành viên lại quá chăm lo cho đời sống riêng, lợi ích cá nhân của mình thì lại càng nhanh dẫn đến rạn nứt. Ví dụ, khi các cháu còn nhỏ, bố mẹ đi làm, ông bà còn khỏe có thể giúp đỡ, ngược lại những lúc ông bà già yếu cần con cháu giúp đỡ thì con cháu lại bận bịu không chăm sóc được thì các cụ thường hay tự ái hoặc ngậm ngùi buồn tủi vì con cái ở gần mà chẳng quan tâm.
Mỗi gia đình nên lựa chọn một mô hình đúng với mình để có cuộc sống hạnh phúc (ảnh minh họa)
Theo tôi, xã hội hiện đại ngày càng phức tạp, vấn đề liên quan đến gia đình cũng thế. Do đó chúng ta nên có thêm vài mô hình khác. Ví dụ cũng là mô hình hai thế hệ, ba thế hệ liên kết với nhau nhưng mình có thể phát triển ra nhiều mô hình nhỏ để thích ứng với từng giai tầng xã hội. Tùy hoàn cảnh kinh tế, tùy trình độ văn hóa, tùy tôn giáo và phong tục mà người ta áp dụng như thế nào chứ không phải bây giờ nghĩ ra một mô hình rồi khẳng định đây là mô hình hay, mô hình tốt, vận động mọi người làm theo mà không biết hiệu quả ra sao.
Chúng ta làm thế nào để giải phóng được sức lao động, giải phóng được tự do của con nguời nhưng không mất đi nền tảng văn hóa, không mất đi sự gắn kết giữa các thành viên, đây là một điều rất khó. Quá chăm lo kinh tế mà không chăm lo về tình cảm là không được nhưng nếu thiên về tình cảm, không tạo điều kiện cho con cái phát triển về tri thức, khoa học, kinh tế thì cũng là một quan điểm sai lầm.
Theo tôi, mỗi một gia đình nên tìm một mô hình phù hợp với hoàn cảnh của mình để vận dụng hài hòa các mối quan hệ cha mẹ - con cái, ông bà - con cái sao cho vừa tạo không gian riêng không hạn chế sự phát triển của nhau, vừa có những liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Cách này sẽ làm nổi bật nếp sống hiện đại, vừa giữ được bản sắc truyền thống của gia đình Việt. Không thả nổi nhưng không bắt buộc phải theo ý mình đó là nghệ thuật tổ chức gia đình hiện đại ngày nay.
Xin cám ơn những chia sẻ của ông!
Khánh Lành - Ngọc Quý (thực hiện)