Cải cách quản lý nguồn thu NSNN Nhớ lại ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL về tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính. Theo đó, Nha Ngân khố Quốc gia (tiền thân của hệ thống KBNN ngày nay) là một tổ chức trong Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ: Tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng và công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán... Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, có thời kỳ hoạt động của KBNN do Vụ Quản lý quỹ NSNN thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm. Cho đến ngày 4-1-1990, hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính mới được tái thành lập. Trong thời kỳ này, hệ thống KBNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu và chính quyền các cấp trong việc tổ chức tập trung nguồn thu của NSNN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thu NSNN, KBNN đã chú trọng đến việc hoàn thiện cơ chế tập trung các khoản thu NSNN, chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39 TC/KBNN ngày 25-4-1994 hướng dẫn tổ chức công tác thu thuế trực tiếp qua hệ thống KBNN. Đây là văn bản khởi đầu cho cơ chế quản lý tập trung các khoản thu NSNN trực tiếp qua KBNN nhằm thay thế dần phương thức thu thụ động chỉ đơn thuần là nhập quỹ. Đến năm 1996, khi Luật NSNN được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho việc quản lý và tập trung các khoản thu của NSNN. Theo đó, toàn bộ các khoản thu của NSNN đều phải nộp trực tiếp vào KBNN; chỉ trừ các khoản thu phí, lệ phí, thu thuế của hộ kinh doanh không cố định... Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, từ năm 2006, KBNN đã phối hợp đổi mới quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế - KBNN - Hải quan - Tài chính, triển khai hệ thống dữ liệu thu NSNN tập trung (TCS) và phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại nhằm cải cách quy trình thu NSNN theo hướng đơn giản về thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho các đối tượng nộp NSNN. Đến nay, dự án Hiện đại hóa thu NSNN đã được triển khai thành công trên cả nước và công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với trên 700 đơn vị KBNN và gần 30 ngân hàng thương mại, qua đó đã kết nối, trao đổi thông tin nhanh, chính xác về thu, nộp NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính; giảm thiểu thời gian và quy trình, thủ tục thu nộp NSNN đối với cả người nộp thuế và các cơ quan trong ngành Tài chính từ 30 phút/giao dịch thu ngân sách xuống còn 5-7 phút/giao dịch, mở rộng không gian và thời gian cho người nộp thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế tiếp cận các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại. Vì vậy, mặc dù quy mô thu NSNN qua KBNN tăng rất nhanh qua các giai đoạn (năm 1990 tổng thu ngân sách các cấp qua KBNN chỉ là 8.000 tỷ đồng, năm 2000 là trên 90.700 tỷ đồng, đến nay đã lên đến trên 800.000 tỷ đồng/năm), nhưng hệ thống KBNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan thu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN hàng năm được giao, nguồn thu của NSNN luôn được tập trung đầy đủ, kịp thời vào KBNN để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chi tiêu thường xuyên cũng như chi đầu tư phát triển của NSNN. Cùng với cải cách về quản lý thu NSNN, trong quá trình xây dựng và phát triển, KBNN đã có nhiều đổi mới hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN, thực hiện cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện quy trình kiểm soát chi; đổi mới công tác kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư qua KBNN. Đồng thời, thực hiện và hoàn thiện cơ chế “một cửa” và cam kết chi của NSNN. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát chi NSNN, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương tài chính; đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và đơn vị sử dụng ngân sách. Kịp thời giải ngân nguồn vốn an sinh xã hội Từ năm 1992, KBNN được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ quản lý vốn các chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng với hàng chục nghìn dự án, khối lượng vốn lớn và tính chất đầu tư đa dạng. Trong đó, phải kể đến Chương trình 120 cho vay giải quyết việc làm được KBNN kiểm soát, cho vay và thanh toán từ năm 1992 đến năm 2001 với doanh số hơn 6.000 tỷ đồng của gần 90.000 dự án, đã thu hút được hơn 4,3 triệu lao động, góp phần không nhỏ vào tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Chương trình 5 triệu ha rừng kế thừa thành quả của Chương trình 327, Chương trình 773, với gần 25.000 dự án, tổng số vốn trên 6.000 tỷ đồng, đã trồng mới 1,6 triệu ha rừng, khoanh nuôi 700.000 ha, bảo vệ được trên 2,4 triệu ha rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, từng bước khôi phục cảnh quan và môi trường sinh thái, đồng thời di dân, giãn dân và tạo thu nhập ổn định cho hơn 100.000 hộ dân đến vùng dự án. Từ năm 1995, hệ thống KBNN được giao thực hiện Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), hệ thống đã cùng các ngành, các cấp làm tốt nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, giải ngân kịp thời 17.000 tỷ đồng vốn đến các dự án và đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với hiệu quả xã hội và an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống văn hóa xã hội cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, hệ thống KBNN còn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia khác được Chính phủ giao như: Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, Chương trình giáo dục đào tạo, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn... Đối với công tác giải ngân và kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư mà KBNN được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thực hiện từ năm 2000, KBNN đã không ngừng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo hướng cải cách, đơn giản hóa, đến nay các thủ tục hành chính vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo quản lý chặt chẽ vừa tạo sự thông thoáng cho các chủ đầu tư theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Từ đó giảm bớt thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Do vậy, dù các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN theo từng giai đoạn tăng mạnh và nhiều biến động nhưng KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản được giao. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã kiểm soát qua hệ thống KBNN từ năm 2000 đến nay là trên 2.083.728 tỷ đồng và liên tục tăng qua các năm. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán trên 4.545 tỷ đồng, do sai chế độ, sai định mức, đơn giá, tính trùng lắp, thừa khối lượng hoặc chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số học hoặc do không có trong hợp đồng, dự toán.
|