(CMO) Trong đời sống văn hoá của đồng bào Khmer có rất nhiều trò chơi dân gian, như kéo co, đua xuồng ba lá… Ðối với đồng bào Khmer xã Hồ Thị Kỷ, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, đua ghe Ngo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, từ già, trẻ, trai, gái ai cũng yêu thích bộ môn thể thao truyền thống này.
Là người có tâm huyết cũng như tích cực đóng góp vật chất để khơi dậy phong trào thể thao trong đồng bào Khmer, ông Hữu Dự, người có uy tín ở ấp Ðường Ðào, xã Hồ Thị Kỷ, cho biết, hàng năm, Ban Trị sự chùa Rạch Giồng cùng với chính quyền địa phương duy trì phong trào thể thao, trong đó có đội ghe Ngo để tập luyện và tham gia thi đấu, thu hút đông đảo người hâm mộ đến xem, cổ vũ. Từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phát triển môn thể thao truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer cũng như sự hưởng ứng của bà con trong phum sóc đã đưa môn đua ghe Ngo phát triển rộng khắp ở nơi có ngôi chùa Khmer. Ðiển hình như đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng, chùa Cao Dân… đã giành giải thưởng cao tại các cuộc tranh tài cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Ông Sơn Sol đang hướng dẫn luyện tập bơi ghe Ngo cho các thành viên đội đua. Môn thể thao này vừa góp phần nâng cao sức khoẻ vừa thể hiện tinh thần đoàn kết trong phum sóc. |
Ông Sơn Sol, ấp Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huấn luyện viên đội ghe Ngo chùa Rạch Giồng trong nhiều năm, chia sẻ: “Hàng năm, tới mùa lễ hội Dolta, Oók Om Bók… các nhà hảo tâm cùng bà con phum sóc đều góp công sức, vật chất để tu sửa ghe Ngo; ngành thể thao tỉnh hỗ trợ kinh phí cho đội tập luyện và thi đấu, với mong muốn của mọi người là sẽ mang thành tích về cho nhà chùa, cũng như góp phần thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết trong phum sóc”.
“Một điều đáng mừng là, trong xu thế hội nhập và phát triển nhưng đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau luôn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, đặc biệt là duy trì môn thể thao truyền thống đua ghe Ngo cùng các trò chơi dân gian, như nhảy bao bố, kéo co vào dịp lễ, Tết, giúp cho thế hệ trẻ Khmer có môi trường sinh hoạt thể thao lành mạnh, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”, Nhà sư Hữu Nhiều, Trụ trì chùa Rạch Giồng, tự hào.
Chị em phụ nữ Khmer Phường 1, TP Cà Mau, tham gia thi đấu thể thao môn nhảy bao bố tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 2022. |
Thanh niên đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau tham gia môn thể thao đua ghe Ngo trên cạn tại TP Cà Mau nhân Ngày hội Gia đình Việt Nam 2022. |
Giải đua ghe Ngo mini mừng lễ Sene Dolta của chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. |
Ông Tạ Hoàng Hiện, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau luôn được quan tâm chăm lo, phát triển mọi mặt, trong đó có đời sống văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao. Hầu hết các ngôi chùa đã được ngành thể thao tỉnh nhà hỗ trợ một phần kinh phí cùng với chùa vận động xã hội hoá để đóng mới ghe Ngo, hỗ trợ kinh phí trong thi đấu; Trung tâm Huấn luyện đào tạo và thi đấu thể dục thể thao tỉnh hỗ trợ về chuyên môn trong huấn luyện, góp phần cùng các đội mang về thành tích cao trong các cuộc so tài cấp khu vực ÐBSCL và toàn quốc.
Thực tế cho thấy, thông qua phong trào thể dục thể thao nói chung, đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau nói riêng là cơ hội để Cà Mau quảng bá hình ảnh du lịch, nét văn hoá - thể thao độc đáo của người Khmer đến với du khách trong và tỉnh./.
Huỳnh Lâm