发布时间:2025-01-10 00:12:24 来源:88Point 作者:Cúp C1
Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn đã có cuộc trả lời phỏng vấn TBTCVN xung quanh vấn đề này.
* PV: Giai đoạn 2016 - 2020 đánh dấu một bước đổi mới căn bản trong việc tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành giá. Ông nhận định về vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn:Đúng là công tác quản lý giá thời gian qua đã thể hiện nhất quán đường lối chung về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc đẩy mạnh cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Việc thực hiện Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Do đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn |
Trong đó phải nhấn mạnh rằng, công tác tổng hợp phân tích dự báo và bình ổn giá cả thị trường ngày càng chuyên sâu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, một trong những nhiệm vụ được Bộ Tài chính đặt trọng tâm là đẩy mạnh việc tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả, góp phần bình ổn giá thị trường, phát huy vai trò của Nhà nước thông qua việc điều tiết vĩ mô, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ các chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
* PV: Nhắc đến công tác điều hành giá, không thể không nhắc đến thành công khi đưa giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, như giá: xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý giá, ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn:Công tác quản lý nhà nước về giá đã từng bước kiểm soát và có điều chỉnh kịp thời giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu với đời sống kinh tế - xã hội; hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền theo hướng thực hiện tính đúng tính đủ các chi phí, yếu tố cấu thành giá theo thị trường. Đồng thời, đã làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong quản lý, điều hành, bình ổn giá thông qua các cơ chế, biện pháp vĩ mô phù hợp với yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, đã thực hiện cơ chế công bố thông tin rõ ràng, minh bạch để kiểm soát chi phí sản xuất các hàng hóa, dịch vụ, hạn chế tác động tiêu cực của vị thế độc quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá ngày càng trở nên công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận từ người dân.
Đơn cử như việc các dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, Cục Quản lý giá đã trình Bộ Tài chính ban hành 12 thông tư quy định về vấn đề này. Việc triển khai cơ chế quản lý giá đối với các nhóm hàng hóa chuyển từ phí sang giá đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, không làm xáo trộn hoạt động cung ứng dịch vụ của đơn vị và việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; làm tăng hiệu quả, minh bạch chi tiêu dùng xã hội nói chung, giảm gánh nặng bù chi cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công.
Một yếu tố nữa tôi muốn nhắc đến, để điều hành nhịp nhàng, vừa kiểm soát lạm phát, vừa đưa giá một số hàng hóa thiết yếu theo đúng lộ trình đề ra, điều quan trọng là phải chủ động và dự báo tốt. Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành, lên phương án và có kịch bản rõ ràng; kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá. Cùng với đó phải làm tốt công tác dự báo, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, để ổn định mặt bằng giá nói chung.
* PV: Thủ tướng Chính phủ đã từng đánh giá cao công tác điều hành giá của Bộ Tài chính, góp phần cùng Chính phủ vừa kiểm soát được lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng theo đúng mục tiêu đề ra. Theo ông, chắt lọc những thành công trong điều hành vừa qua, thời gian tới, công tác điều hành giá phải thực hiện ra sao để tiếp tục làm tốt điều này?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn:Việc điều hành giá phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát là ưu tiên số một. Bên cạnh đó, điều hành giá cũng sẽ góp phần để thúc đẩy tăng trưởng. Đây là hai mục tiêu quan trọng và không mâu thuẫn nhau. Chúng ta cần phải đặt ra các giải pháp cho tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trên cơ sở đó kiểm soát giá, bình ổn giá bằng các công cụ thị trường để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho tăng trưởng dương. Khi kinh tế tăng trưởng trên nền lạm phát được kiểm soát sẽ gia cố hơn cho sự vững chắc của kinh tế vĩ mô.
Trong giai đoạn tới, mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá cần luôn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, các nhân sản xuất kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc quản lý các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ các khoản chi phí theo cơ chế thị trường, góp phần làm cho giá cả phản ánh giá thị trường và là tín hiệu để thị trường phân bổ có hiệu quả nguồn lực của xã hội.
Làm tốt điều hành giá, tôi cho rằng sẽ có ý nghĩa rất lớn, tạo niềm tin của xã hội đối với công tác quản lý giá cũng như đối với các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Luôn kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành giá giai đoạn 2016 - 2020 tuy có nhiều thách thức, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; đồng thời với sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính và các bộ, ngành nên kết quả điều hành giá đã theo đúng các kịch bản cụ thể được xây dựng hàng năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức mức 6,5 - 9% trong giai đoạn 2010 - 2013, dần ổn định dưới 4% trong giai đoạn 2014 - 2020 và luôn kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đề ra. |
Minh Anh (thực hiện)
相关文章
随便看看