Tiềm năng
Trái phiếu DN đang trở thành một kênh dẫn vốn ngày càng quan trọng đối với các DN, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Tính tổng lượng phát hành trái phiếu DN trong nước năm 2013 đạt con số kỷ lục, với 37.600 tỷ đồng; lãi suất phát hành cao nhất là 15,5%/năm và thấp nhất là 9,8%/năm. Theo đó, có 11 DN phát hành, trong đó có 5 DN kinh doanh bất động sản (như: Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group), Vingroup…), 2 DN sản xuất kinh doanh và 4 ngân hàng (BIDV, VPBank, HDBank và MaritimeBank).
Theo dự báo của Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), năm 2014, sẽ có từ 30.000 đến 35.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ra thị trường. Tuy nhiên, con số thực tế sẽ phụ thuộc vào nhu cầu huy động vốn của DN hay khả năng huy động vốn của DN qua các kênh khác, bao gồm cổ phiếu và tín dụng ngân hàng.
Còn theo dự báo của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng BIDV, thị trường trái phiếu DN sẽ khởi sắc nhờ một số đợt chào bán của DN. Trái phiếu DN dự kiến vẫn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư do chênh lệch lãi suất khoảng 3,5 đến 5%/năm so với trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn
Ngoài ra, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu DN bởi với sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ cũng như sự tham gia mạnh mẽ của các Quỹ tín dụng và đầu tư nước ngoài. Hiện nay khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu DN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ.
Minh chứng cho điều này, mới đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu; dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều DN phát hành trái phiếu như: Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit) đang lên kế hoạch phát hành khoảng 30 triệu Euro để đáp ứng cho nhu cầu kinh doanh của Công ty tại Việt Nam; Công ty TNHH MTV Thương Mại và Đầu tư Thái Nguyên (TNTI) thuộc tập đoàn Masan Group dự kiến chào bán khoảng 6.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng dự tính phát hành 3.000 tỷ đồng.
Nhưng chưa bền vững
Hiện nay, quy mô của thị trường trái phiếu DN Việt Nam mới chỉ dưới 5% GDP, quá thấp so với quy mô 60% GDP ở Malaysia, 90% ở Thổ Nhĩ Kỳ hay 200% ở Brazil. Nguyên nhân được chỉ ra là số lượng DN và lượng vốn huy động từ thị trường trái phiếu DN còn hạn chế, các DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chủ yếu là các DN lớn trong nền kinh tế bởi họ vừa đáp ứng các điều kiện phát hành như: Hoạt động kinh doanh có lãi 5 năm liền kề, không có lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn, có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn. Đặc biệt nhóm DN này có tiềm lực đủ mạnh, vừa tạo niềm tin đối với giới đầu tư.
Trong khi đó, nhiều DN nhỏ đang gặp các vấn đề như: Quản trị công ty, công bố thông tin, quản trị rủi ro DN; Chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán còn chưa cao; Vi phạm về công bố thông tin và những vi phạm về gian lận trong báo cáo, hồ sơ… vẫn còn tồn tại. Điều này khiến cho nhóm DN này khó huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ DN niêm yết, ông Nguyễn Băng Tâm, cần có một cơ chế riêng cho phép các DN được phát hành dưới mệnh giá nếu DN có nguồn vốn bù đắp, tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu huy động vốn. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ DN niêm yết. Về phía UBCKNN phải tăng cường giám sát các DN thực hiện các quy định về nâng cao chuẩn mực niêm yết, tăng cường công bố thông tin và quản trị DN. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo về quản trị công ty, quản trị rủi ro DN.
Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu DN Việt Nam đến năm 2020, dư nợ trái phiếu DN đạt 7% GDP. Hiện nay, Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) lên kế hoạch xây dựng cơ chế, chính sách về phát hành trái phiếu DN theo hướng rà soát lại điều kiện phát hành trên cơ sở xem xét việc quy định bắt buộc có hệ số tín nhiệm đối với các đợt phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước sau khi cơ chế về xếp hạng tín nhiệm được ban hành. Ngoài ra, thực hiện cơ chế khuyến khích các DN đa dạng hóa các loại hình trái phiếu DN khi thị trường phát triển ở trình độ cao như: Giấy tờ có giá có lãi suất thả lổi; Chương trình phát hành trái phiếu trung và dài hạn; Chứng khoán hóa trên cơ sở các khoản vay mua nhà hoặc các tài sản đảm bảo…
T.Hằng