| Một số quốc gia châu Phi tham gia Chiến dịch Con rồng Mê Kông | | Châu Phi có thể trở thành nhà cung cấp hydro xanh chính cho châu Âu | | Nhập khẩu nửa tỷ USD gỗ châu Phi vẫn mù mờ thông tin về tính hợp pháp |
| Giao thương của Việt Nam với khu vực châu Phi có thể được hưởng nhiều cơ hội mới từ Hiệp định AfCFTA. |
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), với sự ra đời của Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA), giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi có thể được hưởng nhiều cơ hội mới. Hiệp định AfCFTA chính thức bắt đầu vào đầu năm 2021, khi các quốc gia thành viên tham gia thành lập một thị trường chung bao gồm cả lĩnh vực thương mại và lĩnh vực đầu tư với tổng GDP là 3,4 nghìn tỷ đô la Mỹ. AfCFTA được ra đời với mục đích loại bỏ thuế quan đối với 90% thương mại hàng hóa nội bộ châu Phi, giảm các hàng rào phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, phát triển sự công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vốn và con người giữa các quốc gia. Đáng chú ý, AfCFTA được cấu trúc theo từng giai đoạn, khiến Hiệp định này có thể tiến hóa theo thời gian. Đánh giá về cơ hội giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, trao đổi thương mại Việt Nam – châu Phi đã tăng hơn gấp đôi, từ mức mới chỉ đạt 2,52 tỷ USD năm 2010 lên mức 5,5 tỷ USD năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến châu Phi đạt 2,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi đạt 2,6 tỷ USD, xuất siêu đạt giá trị 226,3 triệu USD. Với sự ra đời của AfCFTA, giao thương của Việt Nam với khu vực thị trường châu Phi có thể được hưởng nhiều cơ hội mới. Chẳng hạn, hàng hóa xuất khẩu có thể vươn tới những thị trường mới. Bởi, để tạo thuận lợi cho hàng hóa di chuyển giữa các quốc gia nội khối, chắc chắn trong thời gian tới các quốc gia châu Phi sẽ phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và năng lượng – đường xá, bến cảng, sân bay, viễn thông, năng lượng điện… Điều này mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường hơn, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Phi cho tới nay vẫn là những quốc gia có nền kinh tế lớn, có cảng biển thuận lợi cho việc giao thương như: Nam Phi, Ai Cập, Nigieria. Bên cạnh đó chi phí nhập khẩu nguyên liệu, nông sản từ châu Phi có thể được cắt giảm. Đồng thời, Việt Nam có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu thông qua đàm phán các thỏa thuận thương mại với toàn châu lục. Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, một xu hướng có triển vọng sẽ diễn ra trong thời gian tới, đó là các quốc gia trên thế giới sẽ nghiên cứu, đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do (FTA) với toàn bộ khối mậu dịch tự do lục địa châu Phi. Việc này sẽ giúp các quốc gia tiết kiệm thời gian đàm phán với từng quốc gia hoặc khu vực nhỏ lẻ. Do đó, nếu Việt Nam hoặc ASEAN tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại với toàn khu vực AfCFTA, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là hàng dệt may, da giày vào châu Phi, phát huy những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước châu Á, kỹ thuật may tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao. |