(CMO) Sáng nay 26/2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc triển lãm tư liệu, hình ảnh và giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Dự lễ có đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân (ở giữa), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hiếu Hùng (thứ 4 từ phải sang) cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm và giới thiệu sách.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa cũng như sức mạnh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa dân tộc và năm 1943 đã đề ra “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. Đây văn kiện lịch sử mang tính cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc thiết thực cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, trong đó khẳng định mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), đồng thời thể hiện những quan điểm, tư tưởng của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, với 3 nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng đại biểu xem triển lãm tư liệu về “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cùng đại biểu xem các đầu sách được giới thiệu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Theo dòng chảy của tiến trình lịch sử, từ mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, hình ảnh thầy giáo Phan Ngọc Hiển với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Cà Mau tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hòa mình vào khí thế đó, văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, động viên, thổi bùng tinh thần yêu nước.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật đã thực hiện rất tốt sứ mạng lịch sử của mình, để lại dấu ấn đặc biệt cho độc giả, khán giả về mảnh đất xa xôi phương Nam, như: Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), Thư Cà Mau (Anh Đức), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Trường ca Hòn Khoai (Nguyễn Bá)... Bên cạnh đó, Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau, đội Chiếu bóng Cà Mau Ninh Bình; Điện ảnh, Nhiếp ảnh Khu Tây Nam Bộ... trở thành lực lượng hùng hậu trên mặt trận văn hóa kháng chiến của Cà Mau và cả nước.
“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương vào tháng 2/1943.
Hình ảnh triển lãm một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hình ảnh triển lãm một số tác phẩm văn học nghệ thuật Cà Mau trong kháng chiến.
“Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, những giá trị của “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” năm 1943 đã là ánh sáng soi đường và trường tồn cùng với cách mạng Việt Nam. Tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn…”, đồng thời tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI…”, ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.
Đông đảo các em học sinh tham quan khu trưng bày sách về Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà văn hóa, Nhà tư tưởng lớn của cách mạng Việt Nam.
Triển lãm tư liệu, hình ảnh và giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với 80 hình ảnh và hơn 200 đầu sách báo, tài liệu phản ánh bối cảnh ra đời, quá trình vận động và phát triển của “Đề cương Văn hóa Việt Nam” năm 1943; những hình ảnh hoạt động, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật của tỉnh Cà Mau và cả nước.
Qua đó, tuyên truyền, giới thiệu đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hoá của quê hương, đất nước. Khơi dậy quyết tâm chính trị trong cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ quán triệt sâu sắc, toàn diện về Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Huỳnh Lâm