Lời nói không mất tiền mua… Ngày xưa,ữứngxửxưket qua giai nha nghe my để giáo dục con cháu những điều hay, lẽ phải, những đạo lý, chuẩn mực, tổ tiên, ông bà và cha mẹ chúng ta đã đúc kết rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Những kinh nghiệm vô cùng quý báu đó được lưu giữ từ đời này sang đời khác thông qua văn học dân gian. Lý do là vì lưu truyền qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ một phần là để dễ nhớ, dễ dạy, một phần là để tăng tính biểu đạt và làm cho nội dung trở nên ý nhị hơn. Ví như câu tục ngữ: Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Đối với mỗi người nói riêng và cộng đồng nói chung, lời nói trước hết là giúp trao đổi thông tin, bộc lộ cảm xúc, sau nó còn có thể dẫn dắt tư duy, suy nghĩ, phán đoán của người khác. Một lời nói có thể dẫn con người đến niềm vui, nhưng cũng có thể đem đến sự đau khổ. Nó có thể cứu giúp một cuộc đời, nhưng cũng có thể kết thúc một sự sống. Và lời nói đã chẳng những không mất tiền mua, mà nó còn là vô giá, vì “lời nói gói vàng”. Đồng thời, để làm rõ hơn về giá trị của lời nói, người xưa còn chỉ ra rằng, trong ứng xử không những cần lựa lời để nói, mà còn phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Và cách “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” không có nghĩa là phải nói dối hay che giấu sự thật để người nghe được vừa lòng. Mà “lựa lời” ở đây là thay vì nói dối thì hãy nói đúng sự thật nhưng với một thái độ chân thành nhất, với ngôn ngữ chân thật và giàu tính biểu cảm nhất. Vì với một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định, mọi kế hoạch và mọi ước mơ, cùng những sự kỳ vọng... Và “Còn gì đẹp trên đời hơn thế; Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Vậy thì có lý do gì mà chúng ta không “lựa” rồi dành cho nhau những lời nói tốt đẹp để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. “Những con sâu làm rầu nồi canh" Ngôn ngữ ứng xử có vai trò, vị trí và giá trị là vậy, nhưng để làm được việc “lựa lời” như cổ nhân đã dạy ở trên là không hề đơn giản, mà là phải có một quá trình “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì con người ta mới có được. Tuy nhiên, trong quá trình khổ luyện ấy không phải ai cũng học, hiểu được và ứng dụng thành công nên mới có “những con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là sự việc xảy ra vào lúc 8 giờ ngày 21-7-2021, tại chốt cầu Thành Triệu, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ông Trần Khởi Nghĩa, Đội trưởng Đội thuế liên xã số 5, mặc đồng phục ngành thuế, đi xe ôtô qua chốt kiểm soát dịch thì được chặn lại yêu cầu xuất trình giấy đi đường để kiểm tra. Ông Nghĩa đã không chấp hành lại còn lớn tiếng nói: “Tao mà không đi làm là tụi mày không có lương, đừng có xạo với tao”. Sau đó, ông Nghĩa trở lại xe và chạy qua chốt. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, cũng tại chốt kiểm soát dịch cầu Thành Triệu, ông Nghĩa tiếp tục không chấp hành quy định xuất trình giấy đi đường để kiểm tra và còn có lời lẽ “đe dọa” chốt kiểm soát Covid-19. Ngay sau sự việc xảy ra, ông Nghĩa đã bị Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định với số tiền 2,5 triệu đồng. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đội trưởng và Đảng ủy Chi cục Thuế khu vực Bến Tre - Châu Thành cũng đã ban hành quyết định kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nghĩa. Trước đó, vào ngày 3-4-2020, một cán bộ của huyện Hớn Quản đi xe hơi qua một chốt kiểm soát dịch bệnh nằm trên thị xã Bình Long, nhưng không chấp hành đo thân nhiệt mà còn cự cãi với cán bộ kiểm sát quân sự tại chốt kiểm dịch. Thậm chí vị cán bộ này còn đập tay xuống bàn làm việc. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ của vị cán bộ này. Các bậc thánh hiền từ ngàn xưa đã dạy: “Văn là người” hay “học văn là học làm người”. Còn Maksim Gorky - đại văn hào của nước Nga Xô Viết, đã từng nhận định rằng: “Văn học là nhân học”. Nói tóm lại, văn học là bộ môn học về con người và học văn là để hiểu sâu hơn tâm hồn con người, đồng thời cũng là để học cách làm người. Mà muốn học được cách làm người thì trước hết phải “… học nói,…”. Vì lời nói có sức mạnh to lớn, nhưng sức mạnh ấy không đến từ lớp vỏ bọc âm thanh, mà đến từ nội dung, cảm xúc được truyền đạt bên trong nó. Và lời nói là của mình. Mỗi lời mình nói ra bao giờ cũng thể hiện bản thân mình là ai, là người như thế nào? Vậy nên xin đừng ai quên điều này! |