Tác phẩm “Làng cổ Phước Tích” qua góc nhìn của tác giả Trương Công Đức
“Mình thật sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của ngôi làng cổ tuyệt đẹp. Ngay từ khi bước vào cổng làng,àngcổvàdaejeon vs khung cảnh bình yên với rất nhiều ngôi nhà có hàng chè tàu dẫn lối, có bóng mát cây cổ thụ, có nụ cười niềm nở hiếu khách của dân làng…”, chàng sinh viên Lê Văn Dũng kể lại ấn tượng trong hành trình tham gia chương trình “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình”.
Hơn nửa tháng đến với làng cổ, trải nghiệm gần hết không gian của ngôi làng ven sông Ô Lâu, chàng sinh viên năm 2 ngành hội họa (Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế) đã tích lũy được rất nhiều cảm hứng để sáng tác nên những tác phẩm ký họa về làng quê thanh bình. Một trong những tác phẩm của Dũng vừa được chọn để triển lãm, giới thiệu đến người xem ở Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.
Trưng bày các tác phẩm “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình”
Bằng chất liệu chì than và màu nước, Dũng đã thả hồn vào không gian của miếu cây thị cùng bóng thị cổ thụ một cách huyền ảo, tuyệt đẹp. Ở đó hồn xưa của một công trình cổ kính vẫn còn khá nguyên vẹn được đặc tả chi tiết từng kiến trúc cho đến khung cảnh xung quanh. Chàng sinh viên gốc Phú Yên kể, từng đi nhiều làng quê Việt Nam, trong đó có nhiều ngôi làng cổ, nhưng ấn tượng nhất vẫn là làng cổ Phước Tích của vùng đất Cố đô. Đó không chỉ là một bối cảnh để sáng tác mà ở nơi đó còn cung cấp rất nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử cũng như được đắm mình trong tình yêu về kiến trúc, di sản. “Mình vẽ về Phước Tích như vẽ về chính làng quê của mình”, Dũng trải lòng.
Cách tác phẩm của Dũng một gian phòng là tác phẩm “Lò nung gốm Phước Tích” của nữ tác giả Trần Thị Thi Linh cũng rất trữ tình và mang hồn cốt rêu phong. Sử dụng hai màu đen trắng của chất liệu acrylic, cô nữ sinh hội họa Trường đại học Nghệ thuât, Đại học Huế như đưa mọi người về lại quá khứ vàng son, nơi có lò gốm với những sản phẩm nổi tiếng tưởng chừng như đã thất truyền giờ đã được hồi sinh.
“Vẽ về lò gốm mình muốn gợi nhớ đây là nơi xuất xứ của một đặc sản nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm tinh xảo từng được tiêu thụ trong dân gian. Tưởng chừng như rơi vào quên lãng, lò gốm Phước Tích giờ đây được đỏ lửa…”, Linh tâm sự và cho biết tác phẩm được cô vẽ trong buổi chiều mưa nên rất dạt dào cảm xúc.
Bình phong của ngôi nhà cổ ở Phước Tích
Không riêng gì tác phẩm của hai bạn trẻ, hàng chục tác phẩm của giảng viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh được trưng bày trong dịp này đã khắc họa toàn bộ những nét đặc trưng của làng cổ Phước Tích – ngôi làng được công nhận là làng di sản cấp quốc gia của Việt Nam. Ở đó có hệ thống không gian nhà vườn cổ kính, rêu phong, những ngôi nhà rường truyền thống hàng trăm năm tuổi, cùng với hệ thống di tích đình chùa, miếu thờ…
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho rằng, dù được thể hiện ở nhiều chất liệu và lối tả, các họa sĩ đã thể hiện được nét đẹp di sản của làng cổ ở nhiều góc nhìn với không gian, thời gian khác nhau, vô cùng ấn tượng. Tất cả đã tạo nên một cảm giác vừa quen lại vừa lạ, vừa gần lại vừa xa, mang đến những ấn tượng, sự khác lạ cho người thưởng lãm.
“Hy vọng những tác phẩm vẽ về Phước Tích được trưng bày lần này sẽ mang đến cho công chúng và du khách sự hiểu biết thêm về giá trị văn hóa, lịch sử của làng cổ. Thông qua đó, để mọi người trân trọng, chung tay bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, văn hóa lịch sử của làng di sản Phước Tích nói riêng. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế địa phương, nâng cao vị thế hình ảnh mảnh đất và con người Huế”, bà Trai chia sẻ.
Bài, ảnh:NHẬT MINH