Bất chấp các nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng của khối, khả năng đáp ứng các nhu cầu của EU hiện rất hạn chế. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nhu cầu của khối về lĩnh vực này sẽ tăng chóng mặt, ví dụ như đối với đất hiếm và lithium – lần lượt cao hơn tới 12 lần và 60 lần vào năm 2050. Phần lớn nguồn nguyên liệu thô quan trọng được EU nhập khẩu từ bên ngoài. Tháng 3/2023, EC đã đề xuất một Đạo luật về Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA), làm nền tảng cho kế hoạch công nghiệp xanh của EU, cùng với Quy định về công nghiệp Net Zero (NZIA). Được thông qua vào tháng 12/2023, CRMA có mục đích thiết lập các chuỗi giá trị quốc gia cho những nguyên liệu quan trọng ở cấp độ 27 nước thành viên. Từ nay đến năm 2030, CRMA đặt ra mục tiêu tự cung ít nhất 10% lượng tiêu thụ khoáng sản thiết yếu hàng năm của EU, xử lý ít nhất 40% và đảm bảo ít nhất 25% khối lượng khoáng sản này được tái chế trong trong EU, đồng thời giới hạn nhập khẩu mỗi loại khoáng sản ở mức 65% lượng tiêu thụ hàng năm của khối. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng và khung khổ pháp lý hiện có của EU không đủ để hỗ trợ cho việc tăng cường khả năng cung cấp, tinh chế và tái chế các vật liệu này tại chính các quốc gia thành viên. CRMA cũng không giúp giải quyết được những trở ngại hiện có. Các nghiên cứu địa chất cho thấy trữ lượng quốc gia của châu Âu có thể đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của EU về khoáng sản chiến lược. Tuy nhiên, những kỳ vọng của CRMA về việc các quốc gia thành viên sẽ khôi phục hoạt động khai thác đang vấp phải sự phức tạp của các thủ tục cấp phép ở cấp quốc gia, cũng như sự phản đối quyết liệt của người dân châu Âu đối với các hoạt động khai thác mỏ. Chế biến khoáng sản là một "nút thắt" khác, khi châu Âu chỉ có một cơ sở chế biến đất hiếm tại Estonia. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế ngoài Trung Quốc cũng không dễ dàng. Việc thiếu các quy trình chuẩn hóa để nhập khẩu khoáng sản vào EU, sự đa dạng về tiêu chuẩn quản trị giữa các nước xuất khẩu tiềm năng và sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu về tài nguyên đều gây ra những trở ngại to lớn. Để CRMA thực sự trở thành nền tảng cho chính sách công nghiệp của khối, EU cần hỗ trợ đổi mới trong lĩnh vực tái chế, từ đó giảm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên sơ cấp và tránh phải đối mặt với các tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, EU cần thiết lập được các chuỗi cung ứng linh hoạt và tự cung tự cấp hơn, từ đó tăng cơ hội thương mại và tạo thêm việc làm chất lượng. Bên cạnh đó, EU phải thiết lập quan hệ đối tác quốc tế mạnh mẽ, đầu tư vào các nước giàu tài nguyên. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên sẽ được đảm bảo thông qua phát triển một nền tảng sản xuất mang lại lợi nhuận cao nhất, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế của quốc gia đối tác. |