(CMO) Thời gian gần đây, “khởi nghiệp” trở thành từ khoá quan trọng của tổ chức Ðoàn, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ÐVTN), tạo nên luồng sinh khí tươi mới. Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng, nhất là với đối tượng ÐVTN nông thôn. Thực tế tại Cà Mau cho thấy, câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều vướng mắc, đau đáu một câu hỏi lớn: Khởi nghiệp dễ hay khó?Nhiều rào cản Tại Cà Mau những năm qua ghi nhận dòng dịch chuyển lao động lớn, chủ yếu là người trẻ ở nông thôn tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập ở ngoài tỉnh. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổ chức Ðoàn ở cơ sở khó tập hợp lực lượng, thiếu nguồn chăm bồi phát triển đoàn viên, đảng viên; tình trạng đảng viên trẻ tạm hoãn sinh hoạt... Theo anh Lâm Ngọc Sơn, Bí thư Huyện đoàn Phú Tân, thì: “Vấn đề này đã được mổ xẻ phân tích nhiều, mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề sinh kế, kinh tế của người trẻ. Nếu giải quyết được câu chuyện công ăn việc làm, thu nhập và khả năng phát triển kinh tế, đồng thời sẽ giải quyết được rất nhiều thứ, trong đó có khả năng tập hợp, tạo sức hút của tổ chức Ðoàn cơ sở”. Xã Nguyễn Việt Khái là địa bàn khó khăn nhất của huyện Phú Tân, đặc thù hoạt động của tổ chức Ðoàn nơi đây phản ánh đầy đủ cả những thuận lợi và khó khăn chung của địa phương. Anh Nguyễn Vũ Nam, Bí thư Xã đoàn Nguyễn Việt Khái, thông tin: “ÐVTN của xã cũng như nơi khác có sức trẻ, khát vọng, nhanh nhạy, nhưng trong khởi nghiệp gặp phải nhiều rào cản lắm. Một số anh em thích có thu nhập nhanh, nên chọn đi làm công nhân ngoài tỉnh. Một số phụ thuộc kinh tế gia đình, không có tư liệu sản xuất, muốn làm gì cũng khó. Một số khác thì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu mô hình...”. Anh Phạm Thanh Toàn, đoàn viên ấp Tân Quảng A, cho rằng: “Nói người trẻ không gắn bó với quê mình, không thích nghề làm vuông thì cũng chưa đúng lắm. Bởi thu nhập từ nghề nuôi tôm bấp bênh quá, mà đất đai đâu phải ai cũng có nhiều. Thanh niên đi làm là vì muốn có thu nhập trang trải cuộc sống, hỗ trợ gia đình, chớ ở nhà cũng chỉ lông bông. Phải chi ở gần có công ty, xí nghiệp hoặc công ăn việc làm ổn định thì anh em đâu tính chuyện đi làm xa”. Theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, nguyên Bí thư Xã đoàn Nguyễn Việt Khái: “Những người trẻ nào ở hộ gốc, được giao đất đai hương hoả thì có điều kiện tính toán làm ăn. Còn phần nhiều, nếu bám trụ lại quê mà đất ít, vốn yếu, không có mô hình thì khởi nghiệp, làm ăn ra sao. Theo tôi, chuyện khởi nghiệp ở vùng nông thôn như xã Nguyễn Việt Khái chưa cần tính toán lớn, cần khoa học kỹ thuật gì cao siêu, bước đầu chỉ cần phù hợp, hiệu quả, bền vững là được. Nhưng làm sao để kinh tế - xã hội của xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà khởi sắc, tạo được chỗ đứng, chỗ dựa cho người trẻ mới là cách giải quyết căn cơ nhất”. Dấu ấn vượt khó Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, xã Nguyễn Việt Khái vẫn có những ÐVTN khởi nghiệp thành công, trở thành gợi ý hữu ích cho phong trào khởi nghiệp của người trẻ ở Phú Tân. Anh Lâm Ngọc Sơn đánh giá: “Những mô hình khởi nghiệp của anh em ÐVTN xã Nguyễn Việt Khái vừa sát với điều kiện thực tế, vừa có hiệu quả kinh tế, quan trọng nhất là có khả năng lan toả, nhân rộng, tiếp thêm sinh khí cho phong trào của ÐVTN”. Với 19 chi đoàn, 159 đoàn viên, Xã đoàn Nguyễn Việt Khái đã xây dựng được 7 mô hình khởi nghiệp thành công. Anh Nguyễn Vũ Nam cho biết: “Từ việc đánh giá tình hình thực tế, khả năng của anh em, Xã đoàn chủ trương thực hiện những mô hình khởi nghiệp phù hợp, vừa sức, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khi thành công sẽ chuyển giao và nhân rộng mô hình”. Anh Lâm Thanh Nhàn, Phó bí thư Xã đoàn Nguyễn Việt Khái, là một trong những đầu tàu trong phong trào khởi nghiệp của người trẻ ở địa phương. Anh Nhàn cũng có những ước mơ lớn, muốn thực hiện những mô hình mới, thế nhưng khi suy nghĩ kỹ, anh cho rằng: “Mình phải đi từng bước, phải xây được nền móng vững chắc cái đã. Thế nên, tôi và một số anh em bắt tay nhau thực hiện mô hình dèo - nuôi tôm, cua 2 giai đoạn, mới nhất là nuôi cá bống mú thương phẩm. Nói mới thì không mới, nhưng hiệu quả, bền vững, phù hợp và đã nhân rộng ra được nhiều nơi”. Từ mô hình dèo - nuôi cua, tôm 2 giai đoạn được chuyển giao, anh Phạm Thanh Toàn đã có lợi nhuận ổn định gần 40 triệu đồng/tháng từ nguồn bán con giống, đó là chưa kể 4 ha đất vuông áp dụng cách nuôi mới, thu nhập theo con nước bình quân từ 8-10 triệu đồng. Với anh Toàn, “cuộc sống mà, khó hay dễ đều là do mình, làm gì cũng phải có quyết tâm, tính toán, sự đồng hành, hỗ trợ của mọi người, quan trọng là bản thân phải có chính kiến, đã làm là làm đến cùng”. Cũng với suy nghĩ ấy, anh Nguyễn Chí Nguyễn, Bí thư Chi đoàn ấp Tân Quảng A, còn thổ lộ thêm: “Với bản thân tôi, mình nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng bằng việc mình có làm chủ, có quyết định được vấn đề kinh tế của bản thân hay không. Ðất đai của tổ tiên để lại, mình tính toán làm ăn sao cho hiệu quả, đó mới là điều tôi tâm đắc nhất”.
Và sau 3 vụ cá bống mú nuôi lồng, anh Nguyễn đã có được lựa chọn ưng ý khi sản lượng thu hoạch, giá cả đầu ra và lợi nhuận đều đúng như tính toán. Với mỗi lồng cá 150 con, sau 9 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, giá thu mua trên 200 ngàn đồng/kg, lợi nhuận mang về không hề nhỏ. Trong câu chuyện, anh Nam còn băn khoăn việc anh em ÐVTN ở xã chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp. Ða phần các mô hình làm ăn đều do anh em tại chỗ tự tìm tòi, nỗ lực xây dựng mà chưa có nhiều gợi mở, định hướng, đồng hành, trợ sức từ các phía. Dù kết quả thực tế là tích cực, song với lực lượng ÐVTN vùng nông thôn Nguyễn Việt Khái, bấy nhiêu là chưa đủ, chưa thể yên tâm. Suy cho cùng, khởi nghiệp, dù ở đâu đi nữa, với người trẻ vẫn là sự lựa chọn, khó khăn đấy, nhưng nếu đúng thì đáng để dấn thân./.
Phạm Quốc Rin
|