Tạo thuận lợi thương mại song vẫn đảm bảo chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), Tổng cục Hải quan, xoay quanh lĩnh vực này. PV: Xin ông cho biết sự ra đời và tác dụng của hoạt động GSTT đối với công tác quản lý nhà nước của ngành Hải quan? Ông Nguyễn Phi Hùng: Từ 1/4/2014, ngành Hải quan chính thức vận hành Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS), đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN). Từ đó đặt ra yêu cầu công tác quản lý nhà nước về hải quan nói chung cần phải thay đổi theo hướng hiện đại, đặc biệt là hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại. Do đó, Tổng cục Hải quan giao Cục ĐTCBL nghiên cứu, tham khảo mô hình từ hải quan các nước xây dựng hệ thống GSTT. Từ cuối năm 2015 đến nay, việc kết nối, tích hợp với hệ thống camera giám sát, hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa và container, hệ thống cân ôtô điện tử... cung cấp thông tin, dữ liệu hình ảnh truyền trực tiếp về Tổng cục Hải quan đã tạo nên kênh giám sát hữu hiệu giữa 3 cấp (tổng cục, cục, chi cục) trong việc thực hiện quy trình thủ tục, nghiệp vụ tại các địa điểm làm thủ tục hải quan đảm bảo chấp hành đúng quy trình nghiệp vụ; phát huy tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe rất lớn đối với các đối tượng đang có âm mưu, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại.
Đến nay, hoạt động GSTT hải quan đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác trinh sát kỹ thuật, theo dõi đối tượng trong các chuyên án. Hệ thống đã góp phần hỗ trợ lực lượng kiểm soát phá nhiều chuyên án như: Tàu BTS Christina buôn lậu gần 7.500 tấn xăng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; vụ việc hành khách nhập cảnh từ Angola qua Malaysia về Việt Nam mang theo 137,5 kg ngà voi qua đường hàng không… PV: Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng so với thực tế số vụ việc phát hiện và xử lý thông qua hệ thống GSTT hải quan còn khiêm tốn. Theo ông đâu là nguyên nhân? Ông Nguyễn Phi Hùng:Từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tổ chức trực ban, GSTT có sự tham gia của cục, vụ chủ lực trực thuộc Tổng cục (Cục ĐTCBL; Cục Giám sát quản lý hải quan; Cục Quản lý rủi ro; Cục Thuế xuất nhập khẩu và Cục Kiểm tra sau thông quan). Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế do hoạt động của hệ thống GSTT hải quan vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện về quy trình, quy chế và cần được tiếp tục đầu tư về nhân lực vật lực để đáp ứng yêu cầu kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại các cửa khẩu trên cả nước. Đơn vị GSTT hải quan, trực thuộc Cục ĐTCBL mới thành lập, lực lượng còn thiếu, vừa phải tổ chức trực đảm bảo 24/7 vừa phải tổ chức công tác giám sát chỉ huy cơ động do vậy còn chưa bao quát, theo kịp được diễn biến hoạt động XNK hàng ngày. Khó khăn nữa là, đến nay hoạt động GSTT hải quan còn bị hạn chế bởi việc kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cấp, đơn vị trong và ngoài ngành Hải quan chưa thực sự đồng bộ. Quy trình, thủ tục hải quan chưa được điện tử hóa tối đa. Việc triển khai công tác giám sát theo quy định tại Điều 41 Luật Hải quan kết nối thông tin, phối hợp với các hãng tàu, cảng vụ, đơn vị kinh doanh cảng, các hãng vận tải còn nhiều khó khăn do hạ tầng của các đơn vị liên quan chưa được đồng bộ. Đối với tuyến đường hàng không, do đặc thù hàng hóa vận chuyển trên tuyến có thời gian làm thủ tục rất nhanh, trong khi đó, dữ liệu hàng hóa trước chuyến bay chưa được các hãng hàng không, cảng vụ phối hợp cung cấp nên công tác giám sát trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn… PV: Để hoạt động GSTT hải quan đạt hiệu quả hơn nữa, ngành Hải quan tiếp tục những giải pháp nào, thưa ông? Ông Nguyễn Phi Hùng:Trước mắt các đơn vị chức năng ngành Hải quan cần thực hiện nghiêm quy chế kiểm tra giám sát ba cấp (Tổng cục, cục, chi cục); tập trung theo dõi, xem xét, kiểm tra việc thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan; hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu, các điểm kiểm tra tập trung có lưu lượng hàng hóa lớn, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Cục ĐTCBL cũng đã nghiên cứu và hỗ trợ việc triển khai trực ban, GSTT tại 2 đơn vị hải quan có số thu lớn, đảm bảo chống buôn lậu, đồng thời tạo môi trường minh bạch, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Đây là 2 đơn vị quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa lớn qua khu vực cảng biển, sân bay quốc tế lớn, có hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, quá cảnh (tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại). Kết quả thu được từ 2 đơn vị này sẽ nhân rộng ra các cục hải quan tỉnh, thành phố lớn ngay trong năm 2017. Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường sử dụng công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác GSTT là xe chỉ huy giám sát cơ động. Xe được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại từ hệ thống camera truyền phát trực tiếp với độ nét cao, camera bí mật, camera không dây, có thể ghi hình từ khoảng cách xa, camera (có tầm quan sát rộng, cao đến 7 mét) ghi hình vào ban đêm, trong trường hợp cần thiết có thể mang theo thiết bị để ngăn chặn xe vi phạm. Xe có thể thu và truyền dữ liệu hình ảnh trực tiếp từ các khu vực cảng biển, cảng hành không, cảng cạn nội địa… về Tổng cục Hải quan, để lãnh đạo ngành Hải quan xem xét, đưa ra quyết định đấu tranh với các chuyên án cụ thể. Đến nay, xe chỉ huy giám sát cơ động đã phát huy hiệu quả khi tham gia vào việc giám sát nhập khẩu đường của Công ty TNHH Minh Hiền tại Hà Nam, tham gia ngăn chặn, bắt giữ 3 xe vận chuyển hàng lậu tại địa bàn Quảng Ninh trong tháng 12/2016. PV: Xin cảm ơn ông!
Song Linh (thực hiện) |