Giáo sư,11bet mobile Tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Trình Quang Phú
PV: Thưa nhà văn, cuốn sách “Theo dấu chân Người” ra mắt công chúng và bạn đọc trong một dịp hết sức ý nghĩa, đó là nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hẳn là nhà văn sẽ có nhiều cảm xúc?
Nhà văn Trình Quang Phú:Là nhà văn, chắc ai cũng có tâm nguyện được viết về Bác Hồ, tôi cũng vậy, nhưng thú thật là tôi viết cuốn "Theo dấu chân Người" ròng rã 20 năm mới hoàn thiện. Cuốn sách ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đó là điều rất hạnh phúc. Cuốn sách ra mắt như cộng hưởng thêm niềm vui chung khi cả dân tộc mừng ngày tết Độc lập.
Bìa cuốn sách "Theo dấu chân Người"
PV: Vậy, ý tưởng viết cuốn sách "Theo dấu chân Người" đến với nhà văn ra sao?
Nhà văn Trình Quang Phú: Năm 1996, sau khi xuất bản cuốn Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, tôi mang đến kính tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng xúc động và nói: Viết về tuổi thơ của Bác ở làng Sen tới lúc Người ra đi tìm đường cứu nước thì cũng rất hay, nhưng Phú nên cố gắng viết về giai đoạn Bác Hồ ở nước ngoài tìm đường cứu nước, đó là một đề tài mênh mông mà rất nhiều người muốn được biết đến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhắc nhở tôi như vậy nên tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, đó vừa là nguồn cảm hứng sáng tác, vừa thể hiện trách nhiệm, lời hứa với hai người học trò xuất sắc của Bác Hồ.
PV: Cuốn sách dày gần 600 trang kể về hành trình 30 năm Bác Hồ bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, nhà văn đã tập hợp nguồn cứ liệu ra sao để cuốn sách có được những chi tiết chân thật, thuyết phục nhất?
Nhà văn Trình Quang Phú: Để viết cuốn sách này, tôi đã thực sự "Theo dấu chân Người" trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Tôi tới Anh, Pháp, Mỹ, Liên bang Xô Viết, Trung Quốc... để sưu tầm tư liệu, tìm gặp những nhân chứng sống, khai thác cứ liệu từ báo chí các nước bạn. Cái khó là các nước chỉ còn những di tích, còn chi tiết thì không mấy người am tường, nên tôi phải làm cuộc hành trình thứ hai, đó là tìm tòi tư liệu tại các thư viện. Việc làm này khó khăn lắm vì có tới hàng triệu nguồn cứ liệu, tìm được thì mình phải so sánh, đối chiếu, chắt lọc. May mắn nhất là tôi tiếp cận được với kho tư liệu Quốc gia Pháp khi họ cho công khai khối tài liệu lưu trữ ở đây. Tại nước Anh, tôi may mắn có được những thông tin về thời kỳ Bác bị giam ở Hồng Kông. Những tư liệu quý như vàng này chính là chất liệu để cuốn sách "Theo dấu chân Người" có nhiều thông tin quý giá. Đấy cũng chính là lý do phải 20 năm tôi mới hoàn thành cuốn sách đặc biệt này.
Nhà văn Trình Quang Phú giao lưu cùng bạn đọc tại lễ ra mắt cuốn sách "Theo dấu chân Người"
PV: Rất nhiều tác giả viết sách về Bác Hồ, vậy cuốn "Theo dấu chân Người" của nhà văn có điểm gì khác biệt?
Nhà văn Trình Quang Phú: Tôi thể hiện cuốn sách bằng tình cảm đặc biệt dành cho vị lãnh tụ kính yêu, tôi chuyển thể các tư liệu có được một cách rất mềm mại, rất văn học chứ không khô cứng, hàn lâm quá. Khối tư liệu đồ sộ mà tôi tích lũy được xuất hiện trên trang sách một cách linh hoạt bằng ngôn ngữ hội thoại, cách viết này giúp tác phẩm rất dễ đọc, dễ cảm nhận vì nó gần gũi. Cũng phải nói thêm, là một nhà báo nên tôi đã vận dụng những kỹ năng, những tuyệt chiêu của nghề báo vào tác phẩm, cứ như thế, cứ liệu chắc chắn và cách thể hiện khúc chiết, súc tích của báo chí kết hợp với văn học để tư duy và gợi mở, tôi đã hoàn thành "Theo dấu chân Người" theo cách hoàn hảo nhất.
Nhà văn Trình Quang Phú ký tặng sách cho bạn đọc
PV: Nhiều bạn đọc đánh giá rất cao và hào hứng với cuốn sách "Theo dấu chân Người", nhà văn kỳ vọng điều gì với đứa con tinh thần của mình, được ra mắt đúng dịp lễ đặc biệt ý nghĩa Quốc khánh 2-9?
Nhà văn Trình Quang Phú: Tôi tự hào khi với cuốn sách "Theo dấu chân Người", bạn đọc có thêm một tác phẩm về chân dung của vị Chủ tịch vĩ đại - Hồ Chí Minh kính yêu. Tôi không mong gì hơn là các trường phổ thông, các đoàn viên thanh niên sẽ đón nhận cuốn sách như một cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, hiểu rõ hơn về hành trình gian nan của chàng trai Nguyễn Tất Thành từ khi rời bến Nhà Rồng (ngày 5-6-1911) bôn ba năm châu bốn bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941). Tôi hy vọng cuốn sách sẽ giúp chúng ta yêu kính Bác hơn, hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng, tình cảm, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó chúng ta sẽ học tập và làm theo Bác một cách thiết thực hơn.
PV: Chân thành cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Trình Quang Phú!
Giáo sư, Tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Trình Quang Phú tới nay đã xuất bản 6 cuốn sách về Bác Hồ, bao gồm: Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng và Theo dấu chân Người. Trong đó, cuốn Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản tới 22 lần, cuốn Đường Bác Hồ đi cứu nước tái bản 17 lần. |