(CMO) Diện tích thả nuôi, năng suất tôm nuôi và cả về khai thác đều giảm so cùng kỳ năm trước là một trong những vấn đề đang khiến nhiều đại biểu tham dự hội nghị thường kỳ tháng 3 của UBND tỉnh diễn ra vào ngày 4/4 đều lo ngại. Sự sụt giảm này cho thấy tình hình kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức từ nhiều phía.Trong 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 129.700 tấn, giảm đến 4,4% so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt, sản lượng con tôm giảm đến 2,6%. Kinh tế thủy sản, trọng tâm là nuôi tôm và khai thác, đến nay cả hai ngành chính này chưa có dấu hiệu phục hồi cả về diện tích, sản lượng khiến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng khác cũng bị ảnh hưởng theo. Trực tiếp là kim ngạch xuất khẩu đến nay chỉ đạt 167,12 triệu USD, đạt 15,2% kế hoạch, giảm 9,3% so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết, từ đầu năm đến nay xuất khẩu thủy sản gặp nhiều biến động. Nhất là việc Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia tạm dừng nhập khẩu tôm chưa nấu chín từ Việt Nam vào cuối năm 2016. Trong quý I-2017, xuất khẩu sang thị trường Australia giảm hơn 45% so cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, xuất phát từ công tác quản lý khiến ngành nuôi tôm của tỉnh sụt giảm cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu: ô nhiễm môi trường hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu dân cư ven sông; việc nạo vét ao đầm nuôi thủy sản, xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, tác động tiêu cực đến nuôi thủy sản và đời sống người dân. Chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý đúng quy định; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa cao... Ngoài những hạn chế trên, ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho rằng, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, con giống dù đã nỗ lực song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế khiến hoạt động nuôi của người dân đạt hiệu quả không cao. Là địa phương hiện có diện tích nuôi tôm công nghiệp theo hình thức trải bạt mật độ cao (siêu thâm canh) lớn nhất tỉnh, huyện Đầm Dơi hiện có khoảng 80 hộ dân nuôi theo loại hình này với diện tích trên 90 ha và được đánh giá sẽ có chiều hướng tăng gấp đôi trong quý II. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi thể hiện sự lo ngại, vì là loại hình nuôi này đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và vốn lớn, thế nhưng thời gian qua việc tập huấn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn còn hạn chế. Đa phần người nuôi học hỏi nhau kinh nghiệm hoặc theo hướng dẫn của các đại lý và công ty cung cấp thức ăn, thuốc... Ngoài ra, nghề nuôi này đòi hỏi nguồn vốn lớn, song thời gian qua việc tiếp cận với vốn vay từ các ngân hàng còn nhiều khó khăn. Đối với lĩnh vực khai thác hải sản cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể: đến 6,4% so với cùng kỳ năm 2016. Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, những tháng đầu năm, sản lượng và phương tiện khai thác trên địa bàn huyện giảm; số tàu khai thác xa bờ ngày một ít dần, còn tàu nhỏ khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản lại tăng. Là tỉnh có ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến thủy sản, do đó khi sản xuất và khai thác sụt giảm cùng với thị trường xuất khẩu khó khăn kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 3 tháng đầu năm cũng giảm. Đến hết tháng 3/2017, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 8.036 tỷ đồng, đạt 19,9% kế hoạch, giảm 3,6% so cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp, chủ yếu là chế biến thủy sản trong 3 tháng giảm 10% so cùng kỳ năm trước. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các ngành, các cấp cũng như địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt 13 nhóm công tác trọng tâm trong quý II/2017 đã được đề ra. Trung chỉ đạo sản xuất bằng kế hoạch cụ thể theo từng nơi, từng loại cây trồng vật nuôi, tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc việc kê khai sản xuất từ đầu cũng như lấy và lưu hóa đơn khi mua cây, con giống. Nguyễn Phú |