Những năm qua,ừatộiphạmxmhạisứckhỏebạolựcgiađm lichthidaubongda trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ xâm hại sức khỏe người khác xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, để lại những hậu quả đau lòng cho chính những người trong cuộc.
Xét xử 1 vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn thành phố Ngã Bảy.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, hiện nay, có khoảng 10% số vụ cố ý gây thương tích xảy ra giữa chính những người thân trong gia đình, căn nguyên của những hành vi phạm tội thường đến từ nhiều nguyên nhân như sự lệch lạc về nhận thức, lối sống, áp lực cuộc sống, tranh chấp tài sản, mâu thuẫn tình cảm…
Điển hình như trường hợp của Huỳnh Văn Đ., ngụ xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, do ghen tuông nên Đ. đã mua axit cất giấu trong nhà cha mẹ ruột ở xã Long Phú, đợi khi có cơ hội sẽ hủy hoại dung nhan người vợ đã ly thân.
Một thời gian sau, nhân lúc vợ của Đ. là chị H., về nhà Đ. để dự đám tang cha chồng, do trời tối nên chị H. xin ngủ lại qua đêm. Lợi dụng lúc mọi người ngủ say, Đ. giở mùng, lấy axit đổ lên người chị H. gây thương tích với tỷ lệ lên đến 55%. Sau đó, Đ. bỏ trốn và bị Công an thị xã Long Mỹ bắt tại tỉnh Kiên Giang.
Còn trước đó, vào cuối năm 2019, một vụ cố ý gây thương tích gây xôn xao dư luận trên địa bàn thành phố Ngã Bảy bởi bị hại và đối tượng phạm tội lại chính là cha con ruột. Cụ thể, trong quá trình dạy học cho con mình là cháu A. (9 tuổi) tại nhà ở xã Tân Thành, đối tượng Huỳnh Văn T. đã dùng cây trúc, sống lá dừa đánh vào lưng, mặt, tay của cháu A. gây thương tích đến 14%.
Được biết, nguyên nhân đối tượng T. đánh cháu A. là do cháu chậm tiếp thu bài và trả lời không đúng những câu hỏi làm T. tức giận. Trước đó, đối tượng này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây tổn hại sức khỏe người khác, do đó, Tòa án nhân dân thành phố Ngã Bảy đã tuyên phạt T. 30 tháng tù giam.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích, xâm phạm sức khỏe người khác, đặc biệt là người thân trong gia đình. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân trực tiếp là do công tác phòng ngừa xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình không được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm, triệt để, kéo theo âm ỉ dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, giết người…
Trung tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cho biết: Hiện nay, tội phạm xâm hại sức khỏe người khác ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Một số vụ xuất phát từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt, mâu thuẫn đất đai trong gia đình, dòng họ; hoặc đôi khi chỉ vì một xích mích nhỏ mang tính bộc phát hoặc do các đối tượng sử dụng rượu, bia cũng dẫn đến những hành động mất tự chủ gây thương tích cho người thân...
Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, nhận định, các vụ án xâm hại sức khỏe người thân trong gia đình thường bắt nguồn từ những nguyên nhân tích tụ trước đó và án xảy ra chỉ là giọt nước tràn ly. Trong nhiều vụ việc, không ít đối tượng phạm tội đã xem nhẹ giá trị gia đình, đạo đức, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người thân nên hành xử không đúng mực dẫn đến bộc phát thành bạo lực, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Hiện nay, pháp luật hình sự quy định chế tài đối với tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của công dân rất nghiêm. Trong đó, loại tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác bị xử tăng nặng hơn trước với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Ngoài ra, đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật dù dưới 11% nhưng thuộc trường hợp người bị hại là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, trẻ em, phụ nữ mang thai… đều có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, bên cạnh việc cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật, cần thiết phải làm cho mọi người nhận thức được rằng tính mạng, sức khỏe của con người là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, khi phát hiện mâu thuẫn, người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải, nếu không giải quyết dứt điểm thì báo cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc ngăn chặn, không để những mâu thuẫn kéo dài dẫn đến hậu quả đáng tiếc…
Bài, ảnh: Đ.B