Hiện nay, số giày sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 41% sản lượng của hãng, trong khi giày xuất xứ từ Trung Quốc chỉ là 32%; và 25% có nguồn gốc từ Indonesia. Đây là một phần của sự dịch chuyển mà hãng thực hiện trong tài khóa 2012, giảm bớt lượng giày sản xuất từ Trung Quốc để chuyển sang các nhà máy Việt Nam và Indonesia. 2% lượng giày còn lại của Nike sản xuất ở các nước khác như Argentina, Brazil, Ấn Độ và Mexico. Nguyên nhân Nike chuyển hướng sang các nhà máy Việt Nam vì giá nhân công ở Trung Quốc vài năm gần đây đã mất đi lợi thế cạnh tranh so với thị trường lao động Việt Nam. Chỉ trong hai năm qua, giá nhân công bình quân ở Trung Quốc đã tăng tới 22%, như ở Bắc Kinh lên mức bình quân 199 USD/tháng hay Thẩm Quyến 238 USD/tháng. Mặc dù là hãng giày thể thao phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà máy gia công nước ngoài, song 42% doanh thu của Nike chủ yếu đến từ Mỹ. Doanh số bán hàng cũng tăng 18% tại Trung Quốc và 26 % tại các thị trường mới nổi. Hiện các hãng giày của Mỹ đang vận động chính quyền nước này cởi mở hơn khi đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 quốc gia khác nhau, áp dụng mức thuế suất thấp đối với giày nhập vào Mỹ có nguồn gốc từ nước ngoài. Nike là một trong các hãng ủng hộ mức thuế suất thấp với lý do có lợi cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, cũng có những vận động theo chiều hướng ngược lại là cần bảo vệ các hãng giày hiếm hoi còn duy trì nhà máy trên đất Mỹ để tạo việc làm cho người dân. Hiện nay, New Balance là hãng giày duy nhất còn nhà máy sản xuất ở Mỹ, nhưng 75% lượng giày của hãng này cũng có nguồn gốc từ nước ngoài. Hoa Yên |