Giao tranh đẫm máu tiếp tục diễn ra ở Yemen bất chấp can thiệp của Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia để tìm một giải pháp ngừng bắn.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Yemen giao tranh với các tay súng Houthi,ờYemenmớingưngtiếkêu nhà cái tại Marib, Đông bắc Yemen. Ảnh: AFP
Giới chức Yemen cho biết, tên lửa của lực lượng Houthi đã rơi xuống một trạm nhiên liệu ở Marib, gây ra vụ nổ lớn và khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Chính phủ Yemen cáo buộc do Houthi tấn công tên lửa. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng những cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội chính phủ với lực lượng Houthi đã làm hàng nghìn tay súng thiệt mạng ở tỉnh Marib kể từ tháng 2 đến nay.
Cuộc chiến ngày càng căng thẳng khi Houthi phát động một cuộc tấn công lớn nhằm giành quyền kiểm soát thành phố giàu dầu khí Marib, pháo đài cuối cùng của Chính phủ Yemen ở miền Bắc Yemen. Trong khi đó, lực lượng trung thành với Chính phủ Yemen cũng quyết tâm bảo vệ thành trì tiềm năng này.
Yemen rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2014, khi lực lượng Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền Bắc nước này, buộc chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa và tới thành phố Aden. Từ tháng 3-2015, Liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.
Sau đó, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và một số quốc gia liên quan can thiệp để tìm một giải pháp ngừng bắn cho quốc gia này. Theo LHQ, xung đột tại nước này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Mới đây, Đặc phái viên LHQ về Yemen Martin Griffiths đã kêu gọi các lực lượng đối địch tại Yemen “thu hẹp bất đồng” để đạt được một lệnh ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời ca ngợi các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một nền hòa bình ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh ông Griffiths nỗ lực thuyết phục Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi chấp thuận một kế hoạch hòa bình do ông đề xuất, vốn rơi vào bế tắc.
Trong một tuyên bố liên quan, ông Griffiths nhấn mạnh các cuộc họp gần đây của ông cũng như sự hỗ trợ của khu vực và quốc tế cho thấy các bên vẫn có thể nắm bắt được cơ hội này và tạo bước đột phá trong việc giải quyết xung đột hiện nay. Cụ thể là LHQ đã đề xuất về việc mở cửa sân bay Sanaa, dỡ bỏ các hạn chế đối với cảng Hodeidah và đưa ra lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và được phía Houthi đồng thuận. Houthi cũng yêu cầu được khai thác các chuyến bay không giới hạn và không bị kiểm soát từ sân bay Sanaa tới các điểm đến ở Iran, Syria và Lebanon. Lực lượng Houthi cũng kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế đối với cảng biển Hodeidah và chấm dứt các cuộc không kích của Liên quân Arab trước khi họ thực hiện thỏa thuận ngừng bắn và ngừng tấn công vào Marib.
Đồng quan điểm trên, mới đây, các quan chức ngoại giao Mỹ và Anh cũng đã lên tiếng thúc giục lực lượng Houthi chấm dứt cuộc tấn công ở miền Bắc Yemen. Đại diện lâm thời Mỹ tại Yemen Cathy Westley nhấn mạnh “tình trạng bạo lực vô nhân đạo này phải chấm dứt”.
Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Yemen Michael Aron cho rằng việc Houthi nghiêm túc phối hợp với các nỗ lực của LHQ để đạt được một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc sẽ giúp “ngăn chặn thương vong thảm khốc” ở quốc gia Trung Đông này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công tên lửa nói trên của lực lượng Houthi. Tuyên bố nêu rõ Ai Cập khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận, kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công tương tự, tìm cách duy trì lợi ích của Yemen và người dân nước này.
Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan nhưng nếu các bên liên quan ở Yemen vẫn tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì máu sẽ tiếp tục đổ và mọi hậu quả đau thương sẽ còn đổ lên đầu dân thường vô tội.
HN tổng hợp