【bóngaso】Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Bổ sung thêm ô tô?
Theo đó Chính phủ đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề, bổ sung 15 ngành nghề, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề, cập nhật, chuẩn xác hoá tên 18 ngành nghề. Như vậy, tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ còn 226, giảm 41 so với hiện hành. Đặc biệt trong số các ngành nghề được đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Đây là một ngành nghề đang có nhiều ý kiến.
Theo tờ trình của Chính phủ: Xe ô tô là sản phẩm công nghệ cao, cấu tạo phức tạp và có giá trị lớn. Chất lượng xe ô tô có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Do vậy cần áp dụng điều kiện kinh doanh ô tô từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đến bảo hành, bảo dưỡng.
Cụ thể: Về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo Quyết định 115/2004/QĐ-BCN ngày 12-5-2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trước đây (Quyết định này đã hết hiệu lực từ 1-7-2016 do chưa được ban hành phù hợp với thẩm quyền quy định điều 7 Luật Đầu tư - PV), DN sản xuất lắp ráp ( SXLR) ô tô phải đầu tư nhà máy SXLR ô tô đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp SXLR ô tô và sản phẩm SXLR trong nước phải được thử nghiệm để được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định một số điều kiện khác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đối với ô tô NK hiện nay, DN NK thường không phải đầu tư nhà máy SXLR ô tô đáp ứng Tiêu chuẩn DN SXLR ô tô và sản phẩm NK cũng không nhất thiết phải có “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Điều này chưa đảm bảo công bằng giữa nhà SXLR ô tô trong nước và NK.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16-7-2014 đã đưa ra giải pháp “Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô NK; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “Đảm bảo nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.
Do vậy việc bổ sung ngành SXLR, NK ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Không thể thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào Nhìn từ nhiều góc độ thì một chính sách khi được ban hành có thể có mức độ tác động khác nhau đến nhóm lợi ích khác nhau. Nhưng Chính phủ thì phải căn cứ từ lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó có một mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô… Không thể thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM:Cần thiết Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Nhưng điều đó không có nghĩa là để cho doanh nghiệp hoạt động tự do, thiếu kiểm soát. Không thể để doanh nghiệp tự do sản xuất ra những sản phẩm gây tác hại đến tiêu dùng. Vì vậy, việc đưa ra danh mục về điều kiện kinh doanh là cần thiết. Có những lĩnh vực sản xuất ra hàng hóa mà khi người sử dụng có thể gây ra tai nạn giao thông, độc hại... thì chúng ta cần phải có điều kiện. Vấn đề đặt ra ở đây là phải công khai, minh bạch về điều kiện, đồng thời cần phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ về pháp luật. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Nên trao thêm một cơ hội nữa cho ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam Việc đưa thêm hay bỏ bớt một ngành nghề kinh doanh khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải dựa trên số liệu và những đánh giá đầy đủ về nguồn thu ngân sách, việc làm, khả năng phát triển, cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước… Khi chưa tập hợp và phân tích cẩn trọng như vậy thì tôi cho là chưa thể xác định được ngay. Cũng phải nói thêm rằng câu chuyện điều kiện kinh doanh còn phải được cân nhắc trên cơ sở tính toán lợi ích chung của cả quốc gia chứ không phải chỉ một vài địa phương. Ở trường hợp của ngành ô tô thì còn cần xem có nên đưa cả 3 phân ngành “sản xuất”, “lắp ráp” và “nhập khẩu” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không. Tuy nhiên, Điều 4 của Luật Đầu tư 2015 cho phép điều chỉnh danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là cơ hội có thể tận dụng để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế. Tôi cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng nên được trao thêm một cơ hội nữa, dù rằng những năm qua ngành này chưa phát triển được như xã hội kỳ vọng, bất chấp nhiều điều kiện tốt đã từng được dành cho. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM: Ngành ô tô phải là ngành kinh doanh có điều kiện Tôi cho rằng không nên “sợ” điều kiện kinh doanh một cách chung chung. Trong một số trường hợp, cần thiết phải đặt ra điều kiện kinh doanh để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích chung của toàn xã hội. Vấn đề là cách làm. Nếu điều kiện cụ thể, minh bạch, công khai; công chức thực thi nhiệm vụ của mình một cách có trách nhiệm, đúng tiến độ quy định thì không có gì phải ngại. Như TP.HCM có quy định về thời hạn xử lý công việc; doanh nghiệp dễ dàng kiểm tra tiến độ xử lý hồ sơ của mình trên mạng; có gì đó vướng mắc thì có thể bổ sung, chỉnh sửa kịp thời. Với trường hợp của ngành công nghiệp sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu ô tô, cần thấy là trong quá trình hội nhập, mọi quốc gia đều phải nỗ lực bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc mình. Sau khi đã nỗ lực đàm phán thì còn phải tranh thủ mọi cơ hội để có thể thiết kế chính sách bảo hộ thích hợp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước. Ngành ô tô, theo tôi, phải là ngành kinh doanh có điều kiện, vì đó không chỉ là ngành đòi hỏi trình độ công nghệ và thiết bị kỹ thuật đảm bảo, mà theo pháp luật dân sự thì ô tô còn là nguồn nguy hiểm cao độ, do đó phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, thị trường nội địa của Việt Nam, với gần 100 triệu dân, thực sự là một tài sản lớn. Nếu không có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển mạnh mẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và lao động trong nước thì không khéo lại thành “bán rẻ” thị trường nội địa. Lợi ích thu được từ hội nhập sẽ không tương xứng với những gì mất đi. Cẩm Hà - Thái Bình (thực hiện) |