Phương thức để tăng tốc đổi mới Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, các sản phẩm, dịch vụ mới như xe tự hành, công nghệ y tế (MedTech), Công nghệ tài chính (Fintech)... Vì thế, cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory sandbox) được coi là một giải pháp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh từ công nghệ mới chưa được kiểm chứng hoặc dữ liệu bởi các quy định pháp luật. Tại Việt Nam, đến thời điểm này, chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một sandbox là taxi công nghệ và Mobile Money. Ngoài ra, sau một thời gian quan sát, một số lĩnh vực đã chuyển sang giai đoạn nghiên cứu, xây dựng phương án thí điểm, như sản phẩm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang được giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu. Cách đây ít hôm, NHNN đã công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Theo dự thảo, có sáu nhóm lĩnh vực được tham gia thử nghiệm là dịch vụ Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Theo lý giải của NHNN, sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư… Các mảng, lĩnh hoạt động này của các công ty Fintech kể trên hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cơ quan này cho rằng, sandbox cho lĩnh vực Fintech là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng để tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, tính hiệu quả trong ngành ngân hàng - tài chính. Sandbox vẫn có nhiều hạn chế Theo VCCI, trên thế giới, riêng lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có 73 sandbox đã được thông báo thiết lập tính đến tháng 8/2020. Riêng khu vực ASEAN đã có quốc gia đã thiết lập sandbox gồm có Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. Việc Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế thử nghiệm (theo đúng nghĩa) được ban hành đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho biết phải thay đổi cách thức vận hành mô hình kinh doanh để có thể triển khai sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn, thay vì có thể tự mình triển khai, doanh nghiệp phải thông qua một hoặc nhiều đơn vị khác đã có trên thị trường. Việc này thường vô cùng tốn chi phí, mất thời gian, làm chậm quá trình mở rộng ra thị trường. Thay vì có thể tập trung sức lực vào cải thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp lại mất nhiều thời gian với các vấn đề pháp lý chỉ để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp cho biết các vướng mắc pháp lý cản trở việc triển khai và mở rộng sản phẩm, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam lại cho rằng, nếu chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt, có thể bảo vệ được quyền kinh doanh, quyền tự do sáng tạo, quyền tự do làm những điều pháp luật không cấm thì sẽ không cần nhiều cơ chế thí điểm. Do đó, cách tốt nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, giúp cho các doanh nghiệp tự tin sáng tạo mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật, mà không phải đi tìm biện pháp, đưa ra quyết định, đề án mới để thử nghiệm sandbox. Báo cáo của VCCI cũng chỉ rõ, cơ chế thí điểm vẫn có những điểm hạn chế lớn. Đầu tiên, cơ chế thí điểm khó có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc điểm của các mô hình kinh doanh mới là số lượng không hề nhỏ và xuất hiện càng nhiều theo sự phát triển của công nghệ, kéo theo đó là nhu cầu tham gia thử nghiệm rất lớn. Trong khi đó, số lượng các cơ chế thí điểm rất ít. Hơn nữa, cơ chế thí điểm không có cơ chế ban hành rõ ràng. Xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, ý tưởng về việc ban hành cơ chế thí điểm có thể đến từ đề xuất của chính doanh nghiệp. Vì vậy, có một số quan ngại về tính công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt khác, cơ chế thí điểm không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật. Nhìn vào các cơ chế thí điểm đã có, VCCI cho rằng, dường như các cơ chế này đang cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có, thay vì “phá bỏ” các quy định này. |