Gia đình là tế bào của xã hội,đigravenhViệsevilla vs girona là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trong văn hóa Việt Nam, chữ hiếu được xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình.
Gia đình tốt thì xã hội mới tốt
Những ngày này, nhiều địa phương trên cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6.
Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới, tôn vinh truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của gia đình cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội trong xây dựng gia đình văn minh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó, các địa phương và toàn xã hội đẩy mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi gia đình là tế bào của xã hội, không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt.
Đây cũng là ngày tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn của gia đình Việt Nam, để mọi người trong gia đình thể hiện nhiều hơn sự quan tâm đến nhau, thêm yêu thương, chia sẻ và trân trọng.
Đặc biệt, những con người đất Việt hướng về cội nguồn, người thân, nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là tổ ấm yêu thương, là nơi chốn bình yên để mỗi người tìm về.
Khi nói về vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.”
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.
Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế cùng những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, càng ngày mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, lối sống đề cao cá nhân.
Một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung... xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của xã hội.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững là hết sức cần thiết.
Đạo hiếu - tinh hoa văn hóa gia đình Việt
Gia đình được ví là cái nôi, trường học đầu tiên giáo dục đạo đức và nhân cách cho mỗi thành viên của gia đình. Đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp, sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, qua nhiều thế hệ.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đạo hiếu đóng vai trò nền tảng của đời sống tinh thần, giữ vị trí quan trọng và quyết định quan hệ gia đình, quan hệ xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tinh hoa của đạo hiếu là lòng biết ơn được thấm nhuần trong tâm thức mỗi người con Việt. Một dân tộc có niềm tin vững chắc vào cội nguồn, vào ông bà, cha mẹ và các thế hệ tiền nhân.
Một dân tộc lấy việc thương kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên làm trọng, lấy chữ hiếu là lẽ sống… Đó là đạo lý, là một nếp sống rất nhân bản mà người Việt đã xây dựng qua hàng nghìn năm lịch sử.
Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trải qua nhiều thế hệ, đều có khuynh hướng là thiên về thờ Tổ. Người Việt có truyền thống thờ tổ gia đình (từ 5 đời trở xuống), thờ tổ gia tộc, tổ làng, thần làng, tổ nghề, Quốc tổ Hùng Vương.
Đây là một biểu hiện sâu sắc trong đạo hiếu của người Việt đối với ông bà, cha mẹ, những người đã sinh dưỡng mình, chỉ ra đường đi nước bước cho thế hệ sau, hướng tới tương lai tốt đẹp hạnh phúc hơn…
Ngày nay, đạo hiếu không chỉ được thể hiện qua tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thờ các vị tổ làng, tổ nghề, mà nó còn được mở rộng hơn qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trung với nước, hiếu với dân.
Tục thờ tổ tiên nói chung trong mỗi gia đình Việt được lưu truyền từ ngàn xưa, chính là biểu hiện sinh động của đạo hiếu Việt.
Từ cách thể hiện lòng biết ơn đặc biệt ấy, người Việt hình thành một nền văn hóa, văn minh mang cốt cách, bản sắc riêng: Nền văn minh Việt từ đạo hiếu. Từ đó, tạo dựng được cốt cách văn hóa trong tâm thức xã hội vững mạnh để tiếp nhận nền văn minh toàn cầu.
Trải qua hàng ngàn năm vun bồi, nếp sống và tín ngưỡng Việt trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Nếp sống ấy trở thành “đạo” và có giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa văn hóa Việt - đó là “Đạo hiếu.”
Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ, sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt, đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người với nhau.
Ngày nay, đạo hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ra các tổ chức xã hội, qua các phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn,” quan tâm chăm sóc thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, già yếu, neo đơn…
Chính vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam, thì việc tuyên truyền, nâng cao giá trị đạo hiếu góp phần xây dựng gia đình Việt Nam văn minh, ấm no, hạnh phúc… là một việc làm cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bởi, gia đình ấm no, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội ổn định, phát triển như chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam đã nhấn mạnh "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng.”.