Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán BSC, ngành mía đường trong 5 năm qua được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan, điều này không khuyến khích nông dân trồng mía, khiến công suất hoạt động của các nhà máy đường xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, giá ethanol tăng sẽ khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Giá đường trong nước của Việt Nam tuy đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá đường Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7-19%. BSC cho rằng, trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022. Có thể thấy, cơ hội tăng lợi nhuận từ giá đường và sản lượng đường đã đến rất gần với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng khó khăn do vấn đề về nguồn nguyên liệu và nhà máy sản xuất lại khiến các doanh nghiệp này có thể "ngậm đắng". Hơn nữa, theo các doanh nghiệp, mặc dù Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, nhưng đây mới là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành lại rơi vào giai đoạn cuối vụ, giữa mùa khô, nên không còn phù hợp cho việc trồng mới ở đa số vùng nguyên liệu. Nói câu chuyện trên để thấy sự chưa đồng bộ trong việc theo dõi, thu thập các thông tin về diễn biến thị trường và các hoạt động gian lận thương mại để cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Hơn nữa, tình trạng liên kết “lỏng lẻo” giữa nông dân với doanh nghiệp của Việt Nam tiếp tục là vấn đề làm “đau đầu” nhà quản lý. Các chuyên gia cho rằng, thiếu và yếu như trên đang khiến ngành mía đường nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung của nước ta kém hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Vì thế, củng cổ phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng hệ thống cảnh báo và thông tin về phòng chống các hành vi gian lận thương mại… là điều cần đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội từ thị trường quốc tế. |