nhưng với tỷ lệ thanh toán này, câu hỏi đặt ra là giải ngân có “cán đích đúng hẹn”? Nhiều bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp Tính đến ngày 30/9/2015, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN ước trên 165.416 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn năm. Trong đó: Vốn xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung giải ngân được trên 103.805 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch vốn năm; vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giải ngân trên 39.119 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch; nguồn vốn khác giải ngân trên 22.491 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Cũng theo báo cáo từ KBNN, tính đến ngày 30/8/2015, nguồn vốn XDCB tập trung do trung ương quản lý hiện còn 3 đơn vị có số vốn giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch là: Ban Quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (3%); Hội Nhà báo (5%); Hội Nhạc sỹ (7%). Bên cạnh đó, có 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt cao từ 60% kế hoạch trở lên là: Đài Tiếng nói Việt Nam (60%), Hội Cựu chiến binh (65%); Bộ Công thương (67%); Thanh tra Chính phủ (71%); Tổng công ty Đường sắt (71%); Bộ Nội vụ (72%); Viện Khoa học xã hội Việt Nam (72%); Ngân hàng Chính sách xã hội (87%). Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 93% kế hoạch. Đối với nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý (không bao gồm nguồn vốn TPCP) hiện còn 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch, gồm: Đồng Tháp; Hà Tĩnh; Gia Lai; Bình Dương; Quảng Ninh; Quảng Ngãi; Đắc Nông; Yên Bái, Tây Ninh; Kiên Giang. Và có 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân từ 70% trở lên, gồm: Lào Cai; Hà Giang; Nam Định; Ninh Bình; Thái Bình; Quảng Nam. Theo ông Vũ Đức Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giải ngân chậm một phần do năm 2015, nhiều văn bản chế độ chính sách liên quan đến quản lý vốn đầu tư đã được bổ sung, sửa đổi và ban hành, thời gian thanh toán được kéo dài sang năm sau. Đặc biệt, Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành trong năm 2015 cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân do các dự án phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng. Bên cạnh đó là việc các tỉnh phía Nam đang ở trong tâm điểm mùa mưa nên các công trình đều bị tê liệt do không thi công được dẫn đến việc không có khối lượng để thanh toán. Sau tháng 10, không chấp nhận điều chỉnh kế hoạch Ông Vũ Đức Hiệp cho biết, để đẩy nhanh công tác thanh toán vốn đầu tư từ nay đến cuối năm, hiện KBNN đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN; Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 quy định chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN. Hai thông tư này sẽ được trình Bộ Tài chính trong tháng 10/2015. Hiện tại KBNN đang chuẩn bị hướng dẫn một số nội dung kiểm soát chi cuối năm 2015. Theo đó, KBNN đề nghị các KBNN tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức cập nhật các văn bản chế độ mới cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi; tổ chức giao ban trao đổi với các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để phổ biến những quy định mới, tạo sự đồng thuận giữa KBNN với các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.... Ngoài ra, trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, để đảm bảo cân đối nguồn thu và chi hợp lý trên nguyên tắc đáp ứng nhu cầu chi trả của đơn vị sử dụng ngân sách cũng như chủ đầu tư, KBNN đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương quản lý chặt chẽ việc tạm ứng, thanh toán và sử dụng vốn đầu tư ở các dự án, công trình đảm bảo đúng quy định. Các cơ quan tiến hành rà soát, điều hòa, điều chỉnh, chuyển kế hoạch vốn đầu tư năm 2015 từ những dự án chậm tiến độ thực hiện sang cho những dự án đã có khối lượng thực hiện được thực hiện chậm nhất đến hết tháng 10/2015. Sau thời điểm này không xem xét, chấp thuận việc điều hòa, điều chỉnh kế hoạch nữa, nhằm hạn chế việc chạy kế hoạch vào những tháng cuối năm. Không xem xét cho phép các dự án đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 và các năm trước được kéo dài thời gian thực hiện, thanh toán sang năm 2015.
Vân Hà |