Bí quyết làm bạn với học trò Gen Z của các thầy cô nổi tiếng
Nhung Nhung(Dân trí) - Với phương châm "lấy người học làm trung tâm", những thầy cô 9X này luôn biết cách để truyền đạt được kiến thức một cách hấp dẫn, hiệu quả và chiếm cảm tình của học sinh Gen Z.
Giao tiếp với học sinh Gen Z bằng cùng một ngôn ngữ với các em
Thầy Dương Văn Hà (giáo viên môn Hóa tại Hà Nội, có gần 50 học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020) chia sẻ:
"Tôi không muốn học sinh có cảm giác gò bó trong quá trình tiếp thu kiến thức môn Hóa. Vì điều này sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực, học sinh sẽ hình thành tâm lý phản kháng".
Thầy giáo trẻ quan niệm rằng, việc dạy học là một quá trình có sự tương tác, thấu hiểu giữa người thầy và trò. Đặc biệt giúp khai mở những màu sắc riêng biệt và năng lực vô hạn ở mỗi người dạy, người học.
Trong quá trình đó, thầy Hà đặc biệt nhấn mạnh đến những yếu tố cần thiết mà một người giáo viên cần phải có là: thái độ, chuyên môn, kiến thức và kỹ năng. Trong đó, yếu tố đầu tiên là yếu tố nền tảng và cũng là quan trọng nhất.
Thầy Hà khẳng định giáo viên giỏi cần phải có thái độ chủ động kết nối với học sinh của mình. Có tư duy cởi mở để đón nhận những cách thức học, suy nghĩ mới của lứa học trò Gen Z năng động.
Trong suốt hơn một thập kỷ theo đuổi lĩnh vực giáo dục, thầy giáo Dương Văn Hà thấy rằng, khó khăn đầu tiên trong việc giảng dạy Gen Z chính là khoảng cách thế hệ.
"Nhiều thầy cô dựa vào kinh nghiệm cá nhân để định hướng cho học sinh, khiến cho các em có cảm giác bị gò bó.
Cách thức giáo dục đó không sai nhưng có lẽ đã không còn phù hợp với môi trường giáo dục hiện đại. Bởi so với thế hệ của thầy cô hay lứa học sinh trước thì các bạn Gen Z có rất nhiều điểm khác biệt trong tư duy và phương pháp học tập.
Vì vậy, nếu giáo viên muốn giao tiếp với học sinh Gen Z thì cần phải nói chung một ngôn ngữ với các em, giúp các em giữ được tâm thế thoải mái và đem lại kết quả tốt nhất cho việc truyền đạt tri thức", thầy Dương Hà chia sẻ.
Thầy giáo môn Hóa này cũng nói thêm rằng học trò Gen Z ngoài cần bài giảng hay, súc tích còn cần phải mắt thấy tai nghe và cần một người thầy có thể chia sẻ dẫn dắt trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Thầy Hà nhận thấy Gen Z là những cá nhân sẵn sàng thể hiện quan điểm bản thân và ưa thích sự trao đổi trong quá trình học tập. Vì vậy, mục tiêu của thầy Hà là luôn tạo ra môi trường tự do cho học trò thoải mái thảo luận và trao đổi tri thức môn Hóa học.
Thầy giáo môn hóa cũng khẳng định, đối với chương trình dạy học hiện nay, giáo viên phải không ngừng tiếp thu cái mới bên cạnh kiến thức chuyên môn mang tính nền tảng.
Từ việc trang bị các kỹ năng mềm, các phương pháp dạy học tích cực, thích ứng với công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, để có thể đáp ứng được với sự thay đổi chóng mặt và yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của ngành giáo dục, của học sinh.
Người thầy đổi mới sáng tạo thời đại 4.0
Thuộc lứa đầu Gen Z, cô giáo Trần Thanh Nga (giáo viên môn vật lý tại trường THPT Đào Duy Từ) cho rằng mình có nhiều thế mạnh trong việc tiếp xúc, giảng dạy các bạn học sinh cùng thế hệ.
"Được tiếp cận với một nền giáo dục trẻ trung, mới mẻ với nhiều đổi mới đáng kể về chất và lượng.
Vì vậy, tôi luôn cố gắng ứng dụng kỹ thuật công nghệ nhiều hơn trong việc giảng dạy vật lý cho học sinh.
Các bạn được xem nhiều thí nghiệm và được thực hành nhiều hơn thay vì chỉ vùi đầu vào lý thuyết sách vở", cô Nga nói.
Với lợi thế hiểu tâm lý các bạn học sinh, cô giáo 9X đã giúp nhiều bạn học sinh hiểu lý do vì sao cần phải học, vượt qua áp lực thi cử hay giải quyết một cách tích cực những vấn đề phát sinh trong học tập và cuộc sống.
"Việc tiếp cận học sinh lợi thế nhất của tôi có lẽ chính là sự gần gũi, vui vẻ, sức trẻ, tràn đầy nhiệt huyết với nghề.
Có thể mang lại nhiều giá trị hữu ích tới học sinh là những gì tôi đã luôn mong ước từ thuở nhỏ và tôi vẫn đang cố gắng tiếp tục thực hiện điều đó", cô Nga hào hứng chia sẻ.
Niềm hạnh phúc với cô giáo trẻ là trở thành người khai phóng, đồng hành giúp các bạn học sinh chú trọng vào việc học logic, tư duy và những kiến thức thực tế trong đời sống nhiều hơn.
Nắm bắt được nguyên lý của giáo dục thế kỷ 21 là tự học và học tập suốt đời, nữ giáo viên trẻ luôn không ngừng cập nhật các thông tin, kiến thức mới từ nền tảng, ứng dụng mạng xã hội.
Thông qua những công cụ này, cô Nga có thể chọn lọc và đưa ra định hướng phù hợp hơn đối với học sinh trên nhiều khía cạnh.
Đồng thời, cô sử dụng nó như một công cụ để giao tiếp nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, tình hình của học sinh.
"Tiếp xúc, giảng dạy các bạn học sinh cùng thế hệ, với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm lớp 11, lớp 12, tôi nghĩ mình không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn.
Chính vì sự khác biệt không quá lớn về thế hệ, những thứ mà các bạn học sinh đang trải qua cũng là những thứ tôi mới vừa đi qua nên tôi hiểu được các bạn đang trải qua những gì.
Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn các bạn học sinh từ những câu chuyện về tình yêu, về gia đình hay về việc hướng nghiệp cho tương lai của các bạn ấy sau này", nữ giáo viên trẻ bày tỏ.