Việt Nam đang thuộc danh sách các nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao trên thế giới. Ảnh: TTXVN
Tạo điều kiện cho trẻ em gái phát triển
Những năm gần đây,ớitrẻemgaacuteitrongbốicảnhmấtcacircnbằnggiớte le keo tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan tâm lớn khi hệ lụy là có tác động tiêu cực đến hôn nhân và gia đình, trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 cho thấy, ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Sự mất cân bằng này chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống; sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.
Đáng lo ngại là tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các trẻ em gái chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc tạo điều kiện để các trẻ em gái bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng là vô cùng cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn… vì thế, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, trong khi chính sách sinh ít con kéo dài... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ…
Theo đó, giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Đồng thời, cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi các trẻ em gái được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các trẻ em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.
Với tinh thần đó, nhằm thay đổi nhận thức và thúc đẩy sự quan tâm tới trẻ em gái trong cộng đồng, từ năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11-10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái nhằm tạo cơ hội, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới với các nội dung giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Ngày quốc tế trẻ em gái tại Việt Nam năm nay có chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh". Các nội dung truyền thông tập trung vào phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.
Đặc biệt, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái...
Cùng với các hoạt động đó, các nhà hoạt động xã hội cũng kêu gọi sự quan tâm, đầu tư và hành động nhiều hơn nhằm hỗ trợ trẻ em gái; tăng cường nguồn lực và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, bao gồm cả mạng lưới, tổ chức hỗ trợ giáo dục có chất lượng hòa nhập, ưu tiên phúc lợi cho các em. Bên cạnh đó là hoạt động cải thiện khả năng tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ hòa nhập lấy trẻ em gái vị thành niên làm trung tâm mọi lúc, đặc biệt là trong ứng phó và khắc phục khủng hoảng; tăng cường cam kết của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến trẻ em gái.
Đồng thời, chia sẻ những câu chuyện về trẻ em gái tiêu biểu; hình thành mạng lưới và tổ chức truyền cảm hứng cung cấp nguồn lực cho trẻ em gái, thu hút các nhà đầu tư nhằm giải quyết các bất bình đẳng, đặc biệt trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý khi đối mặt với xung đột, di cư cưỡng bức, thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái (mức tỷ số sinh đẻ tự nhiên bình thường là từ 104-106 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, con số này ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng khá cao như: Bắc Giang (126,3/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Hòa Bình (121,8/100), Sơn La (121,8/100)… Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới. Tại châu Á, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đánh giá: “Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây hiện tượng dư thừa nam giới trong tương lai. Giả thiết tỷ số mất cân bằng giới tính vẫn tiếp tục diễn ra thì đến năm 2034, chúng ta sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu đàn ông trong độ tuổi 15- 49 tuổi; đến năm 1959 sẽ dư thừa khoảng 1,8 triệu đàn ông. Việc này có thể làm phá vỡ cấu trúc gia đình, đàn ông không lấy được vợ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ gia đình. Chưa kể điều này còn gây ảnh hưởng đến kinh tế, khi với cơ cấu giới tính thừa nam, thiếu nữ sẽ gây thiếu hụt phụ nữ trong các ngành nghề cần lao động nữ như: Giáo dục, công nghiệp may mặc… gây ảnh hưởng nhiều đến việc tăng năng suất lao động. Về an ninh chính trị cũng gây những hệ lụy khó lường như các tệ nạn như mại dâm, buôn bán phụ nữ… Nếu không có giải pháp kịp thời, các hệ lụy trên rất dễ xảy ra”.
Theo đó, để đạt được chỉ tiêu chiến lược về tỷ số cân bằng giới tính khi sinh, các nước trên thế giới có tình trạng mất cân bằng giới tính đều đã phải nỗ lực để đưa về mức cân bằng tự nhiên. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp như: Tăng cường truyền thông, thay đổi hành vi từ lãnh đạo các cấp, người có uy tín trong cộng đồng; thí điểm thực hiện các chính sách nâng cao vị thế của phụ nữ của trẻ em gái, xây dựng các chuẩn mực giá trị phù hợp; tăng cường thực thi pháp luật, theo dõi việc thực thi, giám sát; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ tài chính, kỹ thuật của các nước đã thực hiện thành công.
"Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hiện nay đời sống người dân được nâng cao; ở các khu vực đô thị, trẻ em gái cũng đã được bố mẹ quan tâm hơn, cho ăn học, không bị đối xử phân biệt. Từ đó, các bé gái này khi lớn lên, thành người mẹ trong gia đình cũng là thế hệ sẽ có sự đầu tư cho con gái như vậy. Sự tiến bộ của xã hội cũng là một giải pháp giải quyết vấn đề này. Cùng với đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp trọng việc triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp đã đưa ra sẽ đạt được kết quả, có thể đưa được tỷ số cần bằng giới tính khi sinh về mức cân bằng như mục tiêu của Chiến lược dân số đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra”, ông Phạm Vũ Hoàng đánh giá.