Nhiều công ty chứng khoán lãi lớn trong 6 tháng đầu năm như BSC, SSI, TCBS, VPBS, HSC, VNDS, VCSC... Kiếm bộn tiền
Hiện chưa có nhiều công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý II/2017 và bán niên năm nay. Tuy nhiên, với những công ty đã công bố, kết quả kinh doanh là khả quan.
Với thị phần môi giới cổ phiếu đạt 15,35% tại HOSE và 13,67% tại HNX trong quý II/2017, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong kỳ, Công ty đạt 762,1 tỷ đồng doanh thu, 402,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 9,5% và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI đạt doanh thu 1.312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 731 tỷ đồng. Với kết quả này, SSI đã hoàn thành 69,5% kế hoạch lợi nhuận 2017, nên Công ty phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh năm nay.
Tại Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán tăng mạnh, trong khi hoạt động ngân hàng đầu tư và sản phẩm đầu tư tiếp tục mang lại kết quả khả quan. Trong 6 tháng, TCBS ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 316,59 tỷ đồng và 254,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các chỉ số hoạt động của TCBS trong quý II/2017 tăng đột biến so với quý I/2017 khi doanh thu tăng 23%, lợi nhuận tăng 85%. Trong nửa đầu năm 2017, Công ty phát hành thành công trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Đồng thời, với số lượng 25.000 tỷ đồng trái phiếu đang được “đặt hàng”, doanh thu của mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư hứa hẹn sẽ ở mức cao trong nửa cuối năm. Do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh, sắp tới, TCBS có kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu Techcom Securities.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu đạt 285,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 120 tỷ đồng, trong khi các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm trước là 194,5 tỷ đồng và 43,8 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng đột biến do nhiều mảng kinh doanh của BSC ghi nhận kết quả khả quan: môi giới, lãi từ các khoản cho vay và phải thu, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán.
“Vũ khí” công nghệ
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện có 74 công ty chứng khoán đang hoạt động. Trong số này, phần lợi nhuận mà khối công ty chứng khoán kiếm được trong thời gian gần đây chủ yếu thuộc Top 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu và trái phiếu lớn nhất trên cả hai sàn HOSE và HNX. Phần lớn lợi nhuận còn lại thuộc về 10 - 20 công ty tiếp theo, số công ty chứng khoán còn lại hoạt động nhạt nhòa, không tạo được dấu ấn trên thị trường.
Ngay trong Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường, đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt về giành giật thị phần, thu hút khách hàng và săn tìm lợi nhuận. Cuộc cạnh tranh về nhân sự không quyết liệt, nhưng cuộc cạnh tranh về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ.
Thực chất, cuộc cạnh tranh về công nghệ là một bước tiến sâu hơn của cuộc cạnh tranh về nhân sự. Đơn giản là để có những ý tưởng đột phá về công nghệ và được triển khai trên thực tế, nhân sự giỏi là yếu tố đầu tiên và quan trọng hơn cả. Cuộc “cách mạng” này đang diễn ra ở nhiều công ty lớn như: VNDIRECT, TCBS…
Theo đuổi mô hình “không nhân viên” môi giới, TCBS đẩy mạnh dịch vụ và sản phẩm giao dịch trên nền tảng công nghệ như gói tài khoản iWealth Pro, Robo Advisor, TCWealth và các công cụ theo dõi, phân tích thị trường như TCAnalysis và MarketWatch, đang mang lại hiệu quả khi số tài khoản của nhà đầu tư và doanh thu môi giới gia tăng.
Việc trực tuyến hóa hoàn toàn quá trình giao dịch chứng khoán của khách hàng trên nền tảng công nghệ không chỉ giúp TCBS tiết giảm chi phí hoạt động, mà còn giúp nhà đầu tư tiết kiệm công sức và chi phí cho hoạt động đầu tư.
“Vũ khí” cạnh tranh về công nghệ sắp tới dự kiến sẽ rõ nét hơn khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động. Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận tư cách thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh cho 6 công ty chứng khoán: VPBS, HSC, SSI, VNDS, BSC và VCSC. |