Thứ trưởng Vũ Thị Mai: Chuyển đổi số cần nhất là thay đổi tư duy | |
Doanh nghiệp Việt mới ở giai đoạn khởi đầu chuyển đổi số | |
Tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số: Cần "ông lớn" tạo sóng |
Xu hướng tất yếu của chuyển đổi số
Trong Hội nghị Vietnam CEO Summit do Vietnam Report tổ chức vào tháng 8 vừa qua về chủ đề Chiến lược chuyển đối số cho doanh nghiệp Việt, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số đều nhất trí cho rằng việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu bởi nó sẽ mang lại những giá trị mới không chỉ cho các hình thức kinh doanh mà còn cho con người và xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, nên các doanh nghiệp vẫn cần thay đổi liên tục để thích ứng và giải quyết những thách thức này. Khảo sát ngắn trước thềm Hội nghị của Vietnam Report với nhóm doanh nghiệp lớn cho thấy, hơn 85% CEO tin rằng kinh tế số hóa và chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng đến ngành của họ, nhưng chỉ có ít hơn 10% đang thực hiện một chiến lược chuyển đổi số thực sự.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. DN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng.
Còn theo báo cáo cuộc khảo sát 500 DN có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (Profit500) năm 2019 của Vietnam Report, có tới 48% cho biết hiện đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ; 44% cho rằng đang đầu tư từ từ, thay đổi từng bước trong hoạt động doanh nghiệp.
Riêng đối với các doanh nghiệp có đầu tư vào công nghệ, Top 03 chiến lược chuẩn bị của doanh nghiệp đó là số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,6%); Tăng chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (63,9%) và Phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (45,9%). Đây là những con số đáng mừng cho thấy các DN Việt đã ý thức được sức mạnh của công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Định hình cuộc chơi mới
Trong xu hướng số hóa các hoạt động trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận với công nghệ cao để thích ứng với CMCN 4.0, các doanh nghiệp Profit500 cho biết mục tiêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ giai đoạn 2019-2020 phần lớn là để tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động (tỷ lệ 78,7%), tiếp đó là tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần (70,5%) và gia tăng năng suất và sự gắn kết nhân viên với tổ chức (57,4%).
Còn khảo sát của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) cũng cho thấy cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ và số hóa để bứt phá.
Như vậy, rõ ràng, nền tảng công nghệ và chuyển đổi số đang dần biến kinh doanh trở thành một sân chơi bình đẳng hơn – nơi một công ty nhỏ có thể đánh bại một đế chế doanh nghiệp hùng mạnh với tuổi đời hàng trăm năm. Đồng thời, sự bắt đầu của thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số với luật chơi mới cũng sẽ đặt lại định nghĩa về nhu cầu và thị trường cho mọi ngành nghề. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần bắt tay ngay vào công tác chuyển đổi số ngay từ bây giờ nếu không muốn mình biến mất trong tương lai.