Tại hội nghị, đại diện cơ quan Thuế, Hải quan đã giải đáp nhiều thắc mắc về các thủ tục và chính sách xuất, nhập cảnh, nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, vận chuyển ngoại tệ, thuế GTGT, thuế TNDN, nợ thuế, hoàn thuế….
Trả lời vướng mắc của một số DN liên quan đến khó khăn về NK máy móc thiết bị đã qua sử dụng theo quy định của Thông tư 23/TT/2015-BKHCN, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, quy định này nhằm tạo ra rào cản kỹ thuật ngăn chặn các máy móc thiết bị quá lạc hậu vào Việt Nam biến Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vào thực tế, quy định này cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi vì đã gây khó khăn cho nhiều DN trong việc NK các máy móc cũ nhưng vẫn còn chất lượng về sản xuất kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn này, đối với các trường hợp cụ thể, các DN cần có văn bản gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết.
Giải đáp vướng mắc của bà Đinh Kim Nguyệt, kiều bào Canada về thời gian thông quan đối với xe Việt Kiều, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết: Theo quy định hiện hành, bà con Việt kiều vẫn được nhập một xe ô tô và một xe mô tô về Việt Nam làm phương tiện di chuyển với điều kiện phải xe đã qua sử dụng không quá 5 năm, có chứng minh sở hữu và phải nộp thuế. Về thời gian thông quan kéo dài, ông Nghiệp cho biết do yêu cầu phải xác minh xe NK đúng theo các quy định của pháp luật.
Về quy định miễn thuế NK, theo ông Nghiệp, hàng NK phải thuộc 23 loại hình được miễn thuế theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay với các FTA song phương với nhiều nước trên thế giới, phần lớn hàng hoá XNK vào Việt Nam đã được hưởng thuế suất NK 0%.
Liên quan đến các thủ tục XNK, ông Nghiệp cũng lưu ý các DN, nên kí hợp đồng với các đại lý khai thuê hải quan đã được cấp giấy phép hoạt động của cơ quan Hải quan để tránh rủi ro có thể xảy ra vì trong thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp các đại lý khai thuê hải quan “chui”, “làm tiền” DN và lợi dụng chữ ký số của DN để làm ăn phi pháp.
Trả lời kiến nghị của ông Lê Đình Thảo, đại diện Ban liên lạc kiều bào quận 11 về việc cơ quan Hải quan cần bố trí máy soi hành lý ngay tại cửa xanh để tiết kiệm thời gian cho kiều bào làm thủ tục nhập cảnh, ông Lê Tuấn Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: Hiện nay, lượng hành khách đi qua cửa xanh tại Sân bay Tân Sơn nhất đã chiếm tới 95%, chỉ còn 5% là phải qua cửa đỏ để kiểm tra. Hiện cơ quan Hải quan cũng đang nghiên cứu để có thể kiểm tra hành lý ngay tại cửa xanh cho hành khách trong các trường hợp cần thiết.
Đối với quy định về việc mang ngoại tệ ra, vào Việt Nam, ông Bình cho biết, ngoại tệ mang vào Việt Nam không giới hạn số lượng nhưng phải khai báo cơ quan Hải quan khi nhập cảnh. Đối với ngoại tệ mang ra nước ngoài phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước hoặc xác nhận của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đối với các ngoại tệ đã mang vào, nếu không quá 12 tháng mà muốn mang ra, hành khách chỉ việc xuất trình tờ khai nhập cảnh cho cơ quan Hải quan không cần phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Trả lời thắc mắc của bà Phạm Thị Minh Liên, hoạt động trong lĩnh vực thêu may, dệt sợi về sự khác nhau trong áp dụng thuế TNDN giữa DN kiều bào và DN trong nước, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ, Cục Thuế TP.HCM khẳng định, không có sự phân biết về đối tượng áp dụng chính sách thuế TNDN, chỉ có sự khác biệt nếu DN hoạt động trong các lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế.
Về thuế GTGT phải kê khai ngay khi làm thủ tục NK hay kê khai sau thời hạn được phép nợ thuế theo quy định của cơ quan Hải quan, ông Thiện cho biết, việc kê khai khấu trừ thuế GTGT căn cứ vào các chứng từ của cơ quan Hải quan, do vậy khi nào DN có chứng từ nộp thuế thì sẽ thực hiện kê khai khấu trừ.
Về phản ánh của DN về việc hoàn thuế còn nhiêu khê, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, cơ quan Thuế đã có nhiều cải tiến để có thể hoàn thuế cho DN một cách nhanh chóng, thuận lợi trong đó có việc áp dụng hoàn thuế điện tử. Nếu vẫn còn trường hợp hoàn thuế sai quy định DN có thể phản ánh về cơ quan Thuế để được giải quyết.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN kiều bào tại hội nghị lãnh đạo cơ quan Thuế và Hải quan cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho các DN được biết. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp trong thời gian tới sẽ có đường dây nóng giữa các cơ quan chức năng với đại diện các tổ chức DN kiều bào để có thể thông tin và giải quyết kip thời các khó khăn, vướng mắc cho DN về thuế, hải quan và thủ tục xuất nhập cảnh.
Theo Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, hiện có 1.000 DN có vốn của kiều bào ở nước ngoài đầu tư tại TP.HCM với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD). Có hơn 120 dự án đầu tư của kiều bào với tổng vốn 260 triệu USD được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Các dự án của kiều bào tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại. |