Năm 2024, thị trường chứng khoán khởi đầu đầy thuận lợi với đà tăng trưởng liên tục của chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, những thách thức đã dần xuất hiện khi căng thẳng tỷ giá leo thang và áp lực bán mạnh từ khối ngoại khiến chỉ số đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa cuối năm. Bước sang năm 2025, thị trường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng tích cực, song cũng đi kèm những rủi ro từ kinh tế toàn cầu và sự biến động trong nền kinh tế nội địa. Với triển vọng tích cực trong năm 2025, chia sẻ về những nhóm ngành tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng, ông Trần Văn Thảo – Giám đốc Đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, theo đánh giá từ bộ phận đầu tư TPS, ngành vật liệu xây dựng được dự báo sẽ hưởng lợi lớn khi đầu tư công được đẩy mạnh để kích thích nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành bứt phá.
Bên cạnh đó, ngành khu công nghiệp cũng là một điểm sáng, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trở lại nắm quyền và tiếp tục áp đặt các chính sách thuế mạnh tay với Trung Quốc, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ vị trí địa lý chiến lược và cơ sở hạ tầng cảng biển thuận lợi.
Ngành chứng khoán cũng được đánh giá tích cực nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025. Sự kiện này có thể thúc đẩy dòng vốn quốc tế chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, đồng thời mang lại cơ hội tăng trưởng cho các công ty chứng khoán thông qua danh mục đầu tư ngày càng đa dạng và triển vọng sinh lời cao hơn. Cùng với đó, ngành bán lẻ cũng tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực sau đà phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024. Với nhu cầu tiêu dùng nội địa ổn định và xu hướng phục hồi tiếp tục, các doanh nghiệp bán lẻ có thể hưởng lợi lớn trong giai đoạn tới. Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức. Dù giá cổ phiếu của ngành này đã giảm sâu trong năm 2024 và có vẻ an toàn cho các nhà đầu tư dài hạn, nhưng các dấu hiệu phục hồi rõ ràng vẫn chưa xuất hiện. Những vấn đề như tín dụng bất động sản chưa phục hồi, sự bất cân đối cung cầu (với nguồn cung tập trung vào phân khúc cao cấp trong khi nhu cầu lại nằm ở phân khúc giá hợp lý), và áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2025 vẫn là những rào cản lớn.
Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ như cải cách pháp lý liên quan đến các dự luật về đất đai và bất động sản, đồng thời thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Về kịch bản cho VN-Index trong năm 2025, ông Nguyễn Vũ Thạnh – Giám đốc Tư vấn đầu tư tại TPS nhận định rằng, dựa trên các phân tích kỹ thuật và dự báo thì sẽ có 3 kịch bản. Thứ nhất, trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại và áp dụng chính sách thuế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, thì nền kinh tế toàn cầu có thể gặp khó khăn, và thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm 15 - 20%, từ 44.000 điểm xuống 35.000 điểm. Việt Nam cũng có thể đối mặt với giảm sút khoảng 20%. Thứ hai, nếu ông Trump tiếp tục với một chính sách thuế thận trọng hơn, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ổn định, trong khi chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng nhẹ, từ 10% đến 12%, với chỉ số dao động trong khoảng 1.200 đến 1.390 điểm. Cuối cùng, trong kịch bản tích cực hơn, nếu các chính sách toàn cầu thúc đẩy nền kinh tế, thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng mạnh và nhà đầu tư sẽ thấy sự cải thiện rõ rệt trong các chỉ số kinh tế./. |