您现在的位置是:Cúp C2 >>正文

【mã kèo nhà cái】Đội tình nguyện từng là F0

Cúp C258432人已围观

简介(CMO) Từ Bình Dương, đội tình nguyện viên vượt hơn 300 km về tận Cà Mau và chọn địa bàn xã Khánh Hội ...

Báo Cà Mau(CMO) Từ Bình Dương, đội tình nguyện viên vượt hơn 300 km về tận Cà Mau và chọn địa bàn xã Khánh Hội, “vùng đỏ” của huyện U Minh, làm điểm dừng chân để làm công tác tình nguyện. Mỗi người một việc, xắn tay vào hỗ trợ địa phương truy vết, sàng lọc nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ðiểm đặc biệt của đội là đa phần tình nguyện viên là F0 đã được điều trị khỏi; chiến thắng vi-rút SARS-CoV-2, họ mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm hạ nhiệt “vùng đỏ”, trả lại “vùng xanh” yên bình cho người dân.

“Mỗi người một tỉnh, mỗi người một công việc, không ai quen ai, chỉ gặp nhau trên mạng xã hội. Hôm bữa vô tình lướt Facebook, em thấy Nguyên (đội trưởng - PV) đăng tìm tình nguyện viên. Thế là em đăng ký tham gia, tới ngày xuất phát thì em mới gặp nhiều anh chị em khác trong nhóm”, Nguyễn Thị Kim Phượng, thành viên đội tình nguyện, chia sẻ.

Hướng lòng về quê hương

Trong lần đi công tác, tình cờ nghe lãnh đạo huyện U Minh nói với nhau về đội tình nguyện viên về Khánh Hội hỗ trợ địa phương truy vết dịch Covid-19. Tôi tò mò, vì nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh cũng có tham gia tình nguyện nhưng chỉ ở vùng đệm, chứ chưa nghe ai đi vào “vùng đỏ” để “nằm vùng” hỗ trợ bà con.

Liên hệ địa phương, tôi xin được số điện thoại của đội trưởng. Trong lòng thầm nghĩ, chắc đội trưởng phải là người dày dạn sương gió lắm mới dám dẫn đội về hỗ trợ vùng dịch. Khi gặp mặt, tôi mất hết mấy giây để định thần, bởi trái ngược với suy nghĩ của tôi, Nguyên - trưởng nhóm, thân hình nhỏ bé, có phần ốm yếu và điều đặc biệt là Nguyên chỉ mới vừa tròn 17 tuổi.

Kim Phượng (bìa phải) dáng người nhỏ nhắn nhưng công suất làm việc không thua các anh chị trong nhóm.

Tên đầy đủ của Nguyên là Trần Trung Nguyên, quê gốc ở Ấp 5, xã Khánh Hoà, huyện U Minh. Nhiều năm nay Nguyên không còn sinh sống ở quê mà đã theo gia đình lên Bình Dương cư ngụ, hiện đang theo học nghề sửa chữa điện thoại.

Nguyên chia sẻ: “Thông qua các trang mạng xã hội, em biết được quê mình đang bị dịch bệnh hoành hành. Ðể chắc thông tin, em liên hệ với Giám đốc Trung âm Y tế huyện. Rồi em lên mạng kêu gọi tình nguyện viên có cùng chí hướng lên đường về quê hỗ trợ địa phương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

Ðội của Nguyên ban đầu xuất phát gồm 20 bạn, nhưng về tới “tâm dịch” Khánh Hội, vì không chịu nổi cực khổ và khó khăn trong sinh hoạt nên có 11 bạn lựa chọn rời đi. Còn lại 9 bạn quyết tâm bám trụ để cùng địa phương dập dịch.

Nguyên kể, trước khi về Cà Mau làm tình nguyện, đội của em có kinh nghiệm tình nguyện ở nhiều nơi, riêng em đã làm công tác tình nguyện trong các bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh, rồi tham gia chăm sóc F0 tại nhà. Bản thân em từng nhiễm bệnh và được điều trị khỏi. Thời điểm đó, nói tới F0 ai cũng sợ, người nhà không chăm sóc được vì sợ bị lây nhiễm chéo. Thế nên, nơi nào cần, gọi điện nhờ hỗ trợ là em tới ngay.

“Một hôm, em nhận được điện thoại cầu cứu của một bệnh nhân quê ở Sóc Trăng đang điều trị tại nhà. Nhưng vì em còn đang chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác, những người này cũng đang rất cần em hỗ trợ, nên em không đến được với bệnh nhân đó trong đêm, sáng em đến thì người bệnh đã qua đời rồi. Ðó là điều em nuối tiếc và cắn rứt nhất trong thời gian làm tình nguyện”, Nguyên chùn giọng.

Dốc sức làm những việc có ích

Ðội tình nguyện của Nguyên đang còn 15 thành viên hoạt động chính thức, trong đó có 7 tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh. Hiện nhóm đang làm tình nguyện tại xã Khánh Hội có 9 thành viên, còn lại các bạn đang làm tình nguyện tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Nguyên tâm sự: “Vượt qua cơn sinh tử, chiến thắng được vi-rút SARS-CoV-2, chúng em quý sinh mạng lắm. Ðể đền đáp ân tình của đội ngũ y, bác sĩ, những tình nguyện viên hết lòng điều trị, chăm sóc, giúp đỡ trong lúc chúng em thập tử nhất sinh nên tụi em hứa với nhau dốc sức làm những việc có ích cho xã hội, cho quê hương mình”.

Vội vàng chia tay với tôi vì còn bận vào khu phong toả để lấy mẫu cho những hộ dân, Nguyên nói vội: “Bên điểm tiêm ngừa có một bạn đang làm tình nguyện cũng là F0 đã điều trị khỏi, chị cần thêm thông tin thì qua đó gặp bạn ấy, bạn tên Phượng, nhỏ người như em vậy nè”. Tiếng của Nguyên nhỏ dần vì xe đã hú ga chạy hút, tôi không kịp hỏi gì thêm.

Theo lời Nguyên, tôi đến Trường Tiểu học Kim Ðồng, điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Ðội ngũ y, bác sĩ đang tất bật làm nhiệm vụ, vì hôm nay là lịch tiêm mũi 2 nên dù đã hơn 11 giờ trưa mà lượng người đợi tiêm còn khá đông. Tôi tiến đến bàn hướng dẫn hỏi thăm ai tên Phượng. Vì ai cũng mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn nên không nhận ra ai là ai. Có một người lên tiếng, giọng miền Trung lơ lớ, bảo: “Em là Phượng đây ạ, chị cần gì?”. Thấy người dân đông, người đợi tiêm, người đợi lấy giấy, em ấy cứ bận tay suốt. Tôi cười, không nói gì, đi sang một góc ngồi đợi. Như lời Nguyên nói, dáng người Phượng như học sinh cấp 2, em nhỏ thó, lọt thỏm trong bộ áo xanh bảo hộ thùng thình.

Hơn 12 giờ trưa, Phượng mới có thời gian trao đổi ngắn với tôi. Phượng quê ở Bình Dương, từng làm công nhân may giày da. Dịch bệnh bùng phát, công ty có nhiều F0 và Phượng cũng bị lây nhiễm từ đó. Khỏi bệnh, tâm nguyện của Phượng muốn hỗ trợ những người tại khu điều trị.

“Nhìn họ khổ lắm chị. Vào khu điều trị, họ cô đơn lắm, không ai thân thích”, Phượng chia sẻ. Gia đình có ngăn cấm (vì nhà Phượng có 2 chị em, 1 trai, 1 gái), nhưng thấy con quá quyết liệt nên gia đình cũng chiều ý. Thời điểm dịch bệnh trên Bình Dương tạm lắng thì Phượng nhìn thấy thông tin tìm tình nguyện viên của Nguyên. Không suy nghĩ nhiều, Phượng đăng ký.

“Ðây là lần đầu em xuống Cà Mau, xa lắm luôn, nhưng em không có cảm giác sợ. Về tới đây, vào vùng phong toả hỗ trợ bà con lấy mẫu, bà con vui mừng, ân cần, khi về còn được bà con cho quà, khi thì chuối, khi thì dừa. Em thấy việc làm của mình thật sự ý nghĩa. Em muốn góp sức giữ lại mãi nụ cười đó cho bà con mình”, Phượng chân thành.

Mãi nói chuyện, xem lại đồng hồ đã hơn 1 giờ chiều, tôi giục Phượng đi ăn cơm. Phượng cười bảo: “Tí em lấy gói mì ăn lót dạ, rồi qua phụ các bác bên ấy tiêm buổi chiều. Ðợi các nhóm khác của các anh chị về ăn chung luôn”.

Bác sĩ “ngang hông”

Ðó là những công việc nhóm tình nguyện trên đất liền, còn ngoài cửa biển, trên tàu Hải đội 2 (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) có nhóm tình nguyện viên tham gia lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho ngư phủ. Những ngày giữa tháng 11 mưa gió đầy trời, cửa biển Khánh Hội hứng chịu nhiều đợt sóng lớn. Người quen đi biển chuyện đó bình thường, còn với những người chưa đi biển bao giờ là điều kinh khủng. Trung uý Lê Văn Tiến, thành viên tàu Hải đội 2, cho biết: “Thương những tình nguyện viên lắm, leo lên tàu vừa lấy mẫu xong là quay ra ói, có người ngày ói trên 10 bận vì không chịu được sóng biển, nhưng khi ói xong, dù mặt vẫn còn xanh nhưng anh em vội đeo khẩu trang, kính bảo hộ, tiếp tục lấy mẫu cho ngư dân”.

Là người có mặt trên tàu Hải đội 2 hơn 3 ngày liên tục, tình nguyện viên Nguyễn Thành Ðạt chia sẻ: “Ngày đầu chúng em chưa quen nên ói xanh cả mặt, tay chân bủn rủn, đứng không vững. Nhưng nhìn những phương tiện nối hàng chờ đợi đến lượt, chúng em động viên nhau phải cố gắng, bởi họ cũng mong sớm được về nhà gặp người thân, có tàu còn vào nhanh để bán sản phẩm thu được”.

Những ngày cao điểm, phương tiện vào bờ nhiều, bình quân nhóm của Ðạt mỗi người test cho ngư phủ của khoảng 100 phương tiện, tương đương 500 người/ngày, nên dù mệt cũng không có thời gian nghỉ ngơi.

Ðạt quê ở Long An, là tân thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học của Trường Ðại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Thời điểm Sài Gòn cao điểm dịch Covid-19, có nhiều nhóm được lập ra để kêu gọi tình nguyện. Lo sợ sự nguy hiểm của dịch bệnh, nhiều người đổ xô về quê hay tìm nơi lánh dịch, riêng Ðạt lựa chọn ở lại, đăng ký vào Bệnh viện Ðiều trị Covid Trung ương (TP Hồ chí Minh) làm tình nguyện viên. Gần 3 tháng lưu trú trong bệnh viện, Ðạt chứng kiến nhiều bệnh nhân “có vào mà không có ra”.

Ðạt chia sẻ: “Ðời người ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với cái chết, nhưng những bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì khác. Họ chiến đấu trong đơn độc, khi không còn sức lực nữa, họ ra đi trong cô quạnh, không có người thân đưa tiễn. Nên những ngày được chăm sóc bệnh nhân F0, những ca nặng có, nhẹ có, người khỏi bệnh thì mừng, còn người nào kém may mắn không qua khỏi thì xem như bản thân mình là người thân của họ, bên cạnh đưa tiễn họ chặng đường cuối cùng”.

Ðạt kể, thời điểm dịch bùng phát dữ dội, khoảng giữa tháng 7 đến đầu tháng 8, rất nhiều bệnh nhân tử vong, sự sống con người mong manh trước con vi-rút SARS-CoV-2. “Em nhớ có lần cụ trên 70 tuổi được điều trị khỏi bệnh, ngày ra viện cứ nắm tay em mãi không buông, miệng cụ luôn bảo: “Cảm ơn bác sĩ nhiều. Nếu không có bác sĩ chắc tôi không qua khỏi. Ân tình này không biết khi nào tôi mới báo đáp, đến chết tôi cũng không quên được”. Khi vào khu điều trị thì tất cả y, bác sĩ, tình nguyện viên đều mặc đồ bảo hộ, che kín mặt nên bệnh nhân không phân biệt được, thấy ai mặc đồ bảo hộ đều nghĩ là bác sĩ cả. Cảm nhận niềm vui của cụ, em thấy hạnh phúc vì bản thân mình góp được một phần công sức giúp người bệnh chiến thắng Covid-19, để họ được về đoàn tụ với gia đình”, Ðạt xúc động nhớ lại.

Ðến khoảng đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh dần được kiểm soát, Ðạt không còn tham gia tình nguyện trong bệnh viện dã chiến nữa. Qua group tình nguyện, Ðạt đăng ký cùng đội của Nguyên về Cà Mau hỗ trợ bà con vùng dịch Khánh Hội.

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Ngay thời điểm y tế địa phương gặp nhiều khó khăn khi có 4 F0 và 4 F1, phải quyết liệt truy vết và sàng lọc F0 trong cộng đồng thì đội tình nguyện liên hệ xin hỗ trợ. Nhờ sự hỗ trợ của đội tình nguyện, chỉ trong 2 ngày (ngày 11-12/11), xã đã lấy hơn 5.000 mẫu xét nghiệm, sàng lọc vùng đệm nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Một điều đáng trân quý ở các em là dù tuổi trẻ nhưng những va chạm thực tế liên quan đến dịch bệnh các em hơn mình. Trong quá trình làm công tác tình nguyện, các em hướng dẫn tổ y tế cộng đồng, cộng tác viên của ấp làm sao để không lây nhiễm từ F0, đây là việc làm hết sức thiết thực”.

Ðội tình nguyện của đội trưởng 17 tuổi Trần Trung Nguyên luôn sát cánh cùng lực lượng chống dịch, khi chuyển gạo, quà, hỗ trợ điểm xét nghiệm, sàng lọc, điểm tiêm vắc-xin, lấy mẫu PCR... Dấn thân vào vùng nguy hiểm, họ xác định bản thân có thể trở thành F0, F1 bất cứ lúc nào, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua trong những người trẻ đang tự “cam kết” với nhau dốc sức làm những việc có ích cho xã hội.

Giữa lúc Cà Mau đang triển khai cách ly và điều trị F0 tại nhà, việc làm của đội tình nguyện vô cùng ý nghĩa. Những F0 tình nguyện có thể chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn của mình để hỗ trợ địa phương điều trị F0 bài bản và an toàn hơn.

Không ồn ào, không có lễ ra quân náo nhiệt, không phô trương những việc làm được của mình, nhưng đội tình nguyện viên đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng chính quyền và người dân địa phương về hình ảnh những thanh niên sống đẹp, không ngại khó, ngại khổ vào tâm dịch góp sức “phủ xanh” cho những “vùng đỏ”, đưa cuộc sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới./.

 

Kim Cương

 

Tags:

相关文章