Niềm tự hào của cả nước Với người dân Huế, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV là dấu mốc lịch sử khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với tỷ lệ tán thành rất cao, ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thừa Thiên Huế.
Ở vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm, trong tâm khảm người dân, Huế luôn là niềm tự hào. Và nay, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương còn là niềm tự hào của người dân cả nước.
Một tháng trở lại đây, ông Lê Văn Nghĩa (phường Kim Long, TP. Huế) hàng ngày vẫn dõi theo thông tin từ kỳ họp. Ngoài những nội dung trọng đại của đất nước, điều ông Nghĩa quan tâm đến kỳ họp khi Quốc hội tập trung thảo luận Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án). “Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, ĐBQH tán thành rất cao Đề án và cũng đánh giá cao quá trình nỗ lực phấn đấu của tỉnh, đặc biệt trong công tác bảo tồn di sản. Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, tôi vô cùng phấn khởi và tự hào”, ông Nghĩa tâm sự. Không chỉ ông Nghĩa, câu chuyện “lên Trung ương” của Huế được người Huế trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Trước đó, tại các phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp của Quốc hội về Đề án, nhiều ĐBQH đã khẳng định thời điểm chín muồi để đưa Huế “lên Trung ương”.
Tại phiên giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ: “Tôi cảm nhận trong ý kiến phát biểu của các ĐBQH có những cảm xúc vui, phấn khởi, tự hào về đất nước Việt Nam nói chung, về tương lai cho một sự phát triển của một thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam, đó là Huế. Ý kiến phát biểu các đại biểu chất chứa tất cả những suy nghĩ nhưng cũng mong muốn, kỳ vọng và đề xuất những nội dung để Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương; đồng thời làm sao để Huế phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm với mong đợi của Quốc hội, của ĐBQH và đặc biệt là của Bộ Chính trị, của Trung ương và của dân tộc Việt Nam”.
Trước đó, phiên thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cùng lời nhắn gửi: “Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước”. Diện mạo mới, tầm vóc mới Huế từ lâu là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh; là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế. Đó chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Xác định vai trò, vị thế của vùng đất, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, văn bản quan trọng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Nhìn lại chặng đường suốt gần 30 năm để thấy, Huế đã rất nỗ lực “chuyển mình”. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để thành phố Huế tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu, đến nay, việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển được các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Huế Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11 km2, dân số 1.236.393 người; 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); 133 ĐVHC cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02%. Đề án không chỉ giúp người dân hình dung về đô thị di sản đặc biệt, mà đã cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế của thành phố Huế. Điển hình như tập trung phát triển mạnh công nghiệp về chiều rộng và chiều sâu theo hướng hiện đại; phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số; hình thành các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực; phát triển ngành dịch vụ thương mại và kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng hiện đại hóa; phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chính phủ đã xây dựng dự thảo kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. Trong đó, Chính phủ giao các Bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố Huế có các giải pháp chi tiết và lộ trình cụ thể để bảo đảm mục tiêu xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. “Tới đây, Chính phủ sẽ phối hợp và tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung để tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì phối hợp với Chính phủ. Trên cơ sở sơ kết 5 năm Nghị quyết 54 sẽ có kết luận mới của Bộ Chính trị, từ đó sẽ tham mưu để Quốc hội ban hành một nghị quyết mới với cơ chế, chính sách đặc thù, toàn diện, bám sát những nội dung cối lõi, cơ bản để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản cùng với thực hiện các mục tiêu, yêu cầu cho sự phát triển đô thị xanh, hài hòa bản sắc và văn minh, hiện đại. Trong đó, hết sức chú trọng đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một số các mục tiêu gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
|