Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá làm rõ hơn một số vấn đề và các đề xuất, kiến nghị về các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia gắn liền với đổi mới, phát triển các loại hình doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa, cụ thể gồm các nhóm vấn đề về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế.
Nhóm các vấn đề kinh tế vĩ mô, gồm: Tính bền vững môi trường kinh tế vĩ mô; thực trạng về năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam; Nhóm các vấn đề tiếp cận nguồn lực và thị trường; trên cơ sở phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và các nhóm vấn đề chủ yếu nói trên; xem xét, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành các biện pháp tổ chức thực hiện, nhất là khả năng ban hành, tổ chức thực hiện Đề án tổng thể về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chương trình khởi nghiệp quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới, phát triển doanh nghiệp đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh nhóm chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, GS.TS Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với loại hình doanh nghiệp nêu trên còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp. Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao. Tính liên kết giữa các DN trong nước và nước ngoài còn yếu. Khoảng cách giữa chủ trương, chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường còn nhiều vướng mắc, chưa được khơi thông.
“Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế”, GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2015, Việt Nam có thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2014 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2006- 2015. Mặc dù vậy, có 7/12 lĩnh vực mà Việt Nam thậm chí còn đứng sau một vài nước ASEAN- 4 về thứ hạng toàn cầu. Khả năng theo kịp các nước ASEAN-6 còn xa, trong khi nguy cơ bị các nước ASEAN-4 vượt qua cũng là một thách thức.
Nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam gồm: Tiếp cận tài chính, chính sách không ổn định, lao động qua đào tạo không đủ, kỷ luật lao động kém và tham nhũng.
Theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ban Kinh tế Trung ương, nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trên là do chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, việc đổi mới, hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh còn hạn chế, cơ chế thực thi và phối kết hợp trong tổ chức, quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh còn đạt hiệu quả thấp. Cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm, năng lực phân tích dự báo và điều chỉnh chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinasme Tô Hoài Nam kiến nghị, song song với việc hỗ trợ để các DNNVV phát triển, cần xây dựng cơ chế tránh DN trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ của nhà nước, đảm bảo có những định hướng về điều kiện cho những kết quả về xuất khẩu, về nộp ngân sách, về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh, sạch; phát minh sáng chế mới..../.
Huyền Trang