(CMO) Thời gian qua, tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển nói chung, tội phạm buôn lậu nói riêng diễn biến phức tạp, nhất là khu vực biển vịnh Bắc Bộ, Bắc miền Trung và Tây Nam. Hàng lậu gồm nhiều chủng loại khác nhau, xong chủ yếu vẫn là xăng, dầu DO, thuốc lá điếu, rượu ngoại, than, quặng các loại, gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, hàng gia dụng (bếp gas, bát đĩa, vải rèm các loại), gỗ quý (nhóm IA), pháo nổ các loại...Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu trên biển ngày một tinh vi, manh động hơn. Bọn chúng tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh lực lượng tuần tra, kiểm soát, chống buôn lậu trên biển. Bọn chúng còn thường xuyên nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc khi thiếu vắng lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển để thực hiện hành vi buôn lậu.
Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện một số đối tượng rất manh động, khi bị lực lượng phát hiện, đối tượng buôn lậu sẵn sàng sử dụng xuồng có công suất lớn để đâm va vào tàu, xuồng lực lượng chức năng hòng tẩu thoát hoặc ngoan cố, chây ì, không chấp hành yêu cầu dẫn giải tàu thuyền vi phạm về vị trí neo đậu. Có trường hợp, đối tượng tàng trữ vũ khí quân dụng trên tàu vận chuyển hàng lậu nhằm mục đích chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, bắt giữ... Thời gian cao điểm thường là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm; Hoặc khi giá xăng, dầu DO trong nước tăng mạnh; Khi thị trường nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao về nhập khẩu các loại khoáng sản (than, quặng) có nguồn gốc từ Việt Nam; Khi thiếu vắng lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, nhất là vào thời điểm đêm tối hoặc khi thời tiết trên biển diễn biến xấu. Trước tình hình trên, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển nói chung, tội phạm buôn lậu nói riêng, những năm qua, các cơ quan, đơn vị cảnh sát biển thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn lực lượng (nhất là đối với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ và pháp luật, các biên đội tàu khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển). Với nhiều giải pháp, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược, lâu dài, quá trình triển khai đảm bảo quyết liệt, liên tục, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chỉ huy cơ quan, đơn vị với hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu trên vùng biển mà cơ quan, đơn vị được giao quản lý. Do đó, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn lậu của lực lượng cảnh sát biển những năm qua, năm sau thường đạt kết quả cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng năm 2018, lực lượng cảnh sát biển đã điều động 358 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển. Tổ chức gần 500 đợt trinh sát trên các tuyến, vùng biển trọng điểm về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, trong đó có tội phạm buôn lậu; Thu thập, xử lý hàng ngàn tin với nhiều tin có giá trị cao. Song song đó, tổ chức 18 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 10 ngàn người; Phát hiện, xử lý 528 vụ vi phạm pháp luật trên biển với gần 800 đối tượng, trong đó có 61 vụ với 223 đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng lậu tịch thu ước đạt gần 200 tỷ đồng. Với những kết quả đã đạt được, lực lượng cảnh sát biển đã có nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khen thưởng về thành tích trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu trên biển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, thời gian qua, hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên tuyến biển của lực lượng cảnh sát biển vẫn còn gặp những khó khăn và tồn tại như: Tính chất pháp lý trên từng vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) khác nhau; Vùng biển Việt Nam rộng, trong khi tổ chức biên chế của lực lượng cảnh sát biển còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Nhiều đối tượng buôn lậu trên biển sử dụng phương tiện có công suất lớn, trong khi vùng biển nước ta có nhiều quần đảo, đảo ven bờ và hệ thống sông ngòi, cảng biển rất phức tạp, là điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm nói chung, tội phạm buôn lậu nói riêng hoạt động nhưng lại gây khó khăn cho các lực lượng chức năng... Vì vậy, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát biển 4 trong thời gian tới. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền kinh tế trong nước, cũng như giảm thiểu đáng kể hoạt động khai thác hải sản trái phép của tàu cá Việt Nam ở vùng biển nước ngoài do hoạt động buôn lậu dầu DO trên biển gây ra. Đồng thời, cùng với thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác của Nhà nước bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc./. Phạm Quang Oánh
|