Tại Cà Mau, tình trạng nhiễm HIV diễn ra ở nhiều nhóm đối tượng, trong đó đối tượng là nữ giới có sự gia tăng. Người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh Cà Mau chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm trên 80%, tuy nhiên, những năm gần đây nhóm đối tượng từ 30-39 tuổi bắt đầu có sự tăng lên với tỷ lệ trên 39%.
Tại Cà Mau, tình trạng nhiễm HIV diễn ra ở nhiều nhóm đối tượng, trong đó đối tượng là nữ giới có sự gia tăng. Người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh Cà Mau chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm trên 80%, tuy nhiên, những năm gần đây nhóm đối tượng từ 30-39 tuổi bắt đầu có sự tăng lên với tỷ lệ trên 39%.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Nguyễn Trung Nhân cho biết, bệnh nhân nhiễm HIV gần đây có sự dịch chuyển về nhóm tuổi và đường lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục không an toàn chiếm trên 80%. Hiện trên địa bàn tỉnh có 100% huyện, thành phố và trên 98% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS.
Nguyên nhân của thực trạng trên được đánh giá là do công tác phòng, chống sự lây lan căn bệnh HIV/AIDS của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài yếu tố khách quan như địa bàn phức tạp với nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, việc đi lại, tuyên truyền gặp khó dẫn đến các thông tin về căn bệnh HIV chưa đến được với tất cả người dân. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế tuyến xã, phường chưa thực sự phối hợp tốt với các cơ quan chức năng khác trong công tác phòng, chống dẫn đến việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở các tuyến chưa chặt chẽ.
Một nguyên nhân nữa làm cho việc điều trị bệnh, cũng như công tác phòng ngừa sự lây lan của HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn là do mức độ tiếp cận của các chương trình có liên quan vẫn còn hạn chế. Ðộ bao phủ của chương trình can thiệp giảm hại còn chưa được rộng khắp. Tuy các hoạt động giám sát ở nhóm nguy cơ, giám sát ca bệnh, giám sát hành vi được triển khai thường xuyên, nhưng do đặc điểm của đối tượng có nguy cơ là người nghiện ma tuý, phụ nữ bán dâm… nên việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng số liệu giám sát trên các nhóm này còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS mặc dù có tiến triển nhưng chưa thực sự được nâng cao. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trung Nhân cho biết thêm: "Phân biệt đối xử đã làm cho những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu giếm bệnh tật và làm tăng nguy cơ lan truyền HIV cho người khác. Ðể chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, trước hết mỗi người cần phải loại bỏ các quan niệm sai lầm về căn bệnh này. Tự loại bỏ những sợ hãi không đáng có và mở rộng lòng yêu thương, bao dung của mỗi người"./.
Đặng Duẩn