Sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang, ntile chaua dù chăm chỉ lao động nhưng cái đói, nghèo vẫn đeo bám gia đình ông On. Năm 1992, ông rời quê lên lập nghiệp tại Bình Phước bằng làm thuê nhiều việc, tích lũy mở rộng đất sản xuất. Ông On chia sẻ: “Để phát triển kinh tế, tôi trồng điều và xen các loại cây ngắn ngày lấy ngắn nuôi dài”. Với bản tính cần cù, chịu khó và nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể xã, đồng thời tham gia các buổi hội thảo chuyển giao kỹ thuật, ông đã tiếp cận và học hỏi được rất nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh áp dụng vườn rẫy của gia đình. Sau 5 năm, từ 2 ha ban đầu, ông mua được 5 ha trồng điều và cao su. Khi có thu nhập ổn định, ông mua tiếp 2 ha trồng cây ăn trái và đào ao nuôi cá, sau đó phát triển chăn nuôi. Ông On cho biết: “Năm 1997, tôi nuôi thử 3 con heo nái, 10 con heo thịt. Tôi thấy chăn nuôi khi đó có phần cải thiện cuộc sống nên tìm tòi, học hỏi và mở rộng. Tôi mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại nuôi 15 con heo nái và 50 con heo thịt. Tận dụng thức ăn sẵn có trong vườn nhà như: chuối, rau lang, cỏ vừng... nên giảm bớt chi phí. Tôi cũng tích cực tham gia hội nông dân, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật nuôi tách biệt từng khu chuồng cho từng lứa heo”.
Ông Nguyễn Văn On (thứ 2 từ phải qua) - nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi xã Phú Riềng
Đến nay, gia đình ông đã mở rộng chăn nuôi với 50 con heo nái, 200 con heo thịt và trên 300 heo con. Khi heo con hơn 20 ngày tuổi sẽ được tách mẹ ra nuôi riêng biệt. Đối với heo thịt, ông cũng nuôi khu chuồng riêng và gần đến ngày xuất chuồng sẽ đưa vào từng ô chuồng nhỏ để tiện chăm sóc. Ông còn xây hầm chứa chất thải của heo và ủ làm phân bón cho diện tích vườn rẫy của gia đình. Tận dụng lượng thức ăn dư thừa, ông còn đào ao thả các loại cá như: hường, trê, tai tượng... và nuôi 100 con gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Đến nay, từ vườn rẫy và chăn nuôi, gia đình ông thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/ tháng.
Kinh tế ổn định, ông tích cực tham gia các phong trào của địa phương và hội nông dân phát động; cho hội nông dân mượn 50 triệu đồng làm quỹ xoay vòng. Ông còn thường xuyên giúp đỡ 10 hộ nghèo, dân tộc thiểu số về vật chất, quà tết, quần áo cũ; cho 2 gia đình khó khăn trong thôn vay không lấy lãi 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tích cực vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, ông được tặng bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm là phẩm chất đáng quý của những gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ đã và đang góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Ông Nguyễn Văn On không chỉ là gương điển hình trong phát triển kinh tế mà còn thường xuyên hướng dẫn hội viên, nông dân kỹ thuật chăn nuôi heo; tham gia trao đổi kinh nghiệm làm ăn tại các buổi sinh hoạt Hội Nông dân xã. Đồng thời, tích cực hỗ trợ hội viên nghèo về giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, chúng tôi tuyên truyền, vận động hội viên nông dân xã nhân rộng mô hình đa canh, đa cây của ông On để phát triển kinh tế”.
Vũ Nam