Cử tri Thủ đô xem danh sách,ếnphaacutepViệtNamgắnliềnvớinhữngdấumốclịchsửcủađấtnướkq bd fa tiểu sử các đại biểu ra ứng cử trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. (Ảnh: Tư liệu)
Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước và chế độ.
Là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp. Mỗi bản Hiến pháp đều đánh dấu một bước phát triển mới của đất nước.
Hiến pháp năm 1946
Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ."
Tháng 11-1945, Bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo với những nội dung mơ ước bao đời về độc lập, tự do. Và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 9-11-1946 với sự nhất trí của 240-242 đại biểu.
Ngày 12-1-1946, hàng vạn nhân dân Thủ đô mít tinh tại khu học xá Trung ương (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu vừa trúng cử vào Quốc hội khóa I. (Ảnh: Tư liệu)
Hiến pháp gồm 7 chương nói về chính thể nhà nước ta là nhà nước dân chủ cộng hòa, nghĩa vụ cơ bản của nhân dân Việt Nam, quy định tổ chức bộ máy nhà nước, đoàn kết toàn dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân và xây dựng chính quyền vững mạnh.
Sự ra đời Hiến pháp năm 1946 là khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh (10 ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ), bản Hiến pháp năm 1946 không được chính thức công bố, nhưng những tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 luôn được Chính phủ lâm thời và Ban Thường vụ Quốc hội áp dụng, điều hành đất nước. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này.
Hiến pháp năm 1959
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946. Tháng 12-1959, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã nhất trí thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp.
Với 10 chương, 112 điều, Hiến pháp năm 1959 đã phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta, phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc.
Là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 khẳng định nước Việt Nam là một nước thống nhất, tổ chức theo chính thể Nhà nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm.
Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan nhà nước khác thực hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ...
Hiến pháp năm 1980
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam-Bắc, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1959 đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngày 18-12-1980, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã nhất trí thông qua Hiến pháp mới. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1980 đã xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức Nhân dân xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Cũng tại bản Hiến pháp này, bên cạnh việc xác định vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được thể chế thành một điều của Hiến pháp (Điều 4)…
Hiến pháp năm 1992
Sau một thời gian phát huy hiệu lực, nhiều quy định của Hiến pháp năm 1980 tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Tình hình thực tiễn đòi hỏi phải có một bản hiến pháp mới, phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội thông qua ngày 15-4-1992, gồm 12 chương 147 điều. Hiến pháp năm 1992 đã bỏ những quy định thể hiện cơ chế tập trung, kế hoạch, bao cấp của Hiến pháp năm 1980 để thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước.
Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa toàn diện đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh đổi mới kinh tế, đổi mới vững chắc về chính trị, khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn; tiếp tục khẳng định tính chất của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực đã thực sự tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta đã có những thay đổi nhất định, đòi hỏi Hiến pháp phải được bổ sung, sửa đổi nhằm phát huy hơn nữa hiệu lực và hiệu quả của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Ngày 25-12-2001, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết số 51-2001-QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Với 24 vấn đề được sửa đổi, bổ sung, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã đánh dấu một bước hoàn thiện chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, củng cố việc tổ chức, phân công và phối hợp các nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...
Hiến pháp năm 2013
Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, cụm từ “Nhân dân” được viết hoa để khẳng định và đề cao vai trò có tính quyết định của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Đây là bản Hiến pháp được chuẩn bị công phu, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo chính trị, pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và Nhà nước ta vượt qua những thách thức, khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Quang cảnh một phiên họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10
Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.