Phát huy vai trò đại diện,ảovệquyềnvlợichcủatrẻnhan dinh brazil bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Long Mỹ đã tổ chức giám sát một số địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đoàn giám sát của Hội LHPN thị xã làm việc với UBND xã Long Trị.
Mới đây, Ban Thường vụ Hội LHPN thị xã đã thành lập Đoàn giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em năm 2022, 2023 tại xã Long Bình và Long Trị.
Bà Lâm Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN thị xã, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết: “Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em luôn được xem là công tác quan trọng của Hội. Thông qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ tăng cường vai trò của các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong nắm bắt việc thực hiện chính sách ở các địa phương; đồng thời, tìm giải pháp tháo gỡ và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới”.
Thông tin từ UBND xã Long Trị, trên địa bàn xã hiện có 2.038 hộ với 6.817 khẩu, trong đó 2.213 trẻ em dưới 16 tuổi và trong số này có 1.165 trẻ em nữ. Hiện toàn xã có 7 trẻ em mồ côi do Covid-19 và các nguyên nhân khác. Thời gian qua, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã quan tâm đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm.
Đặc biệt là quan tâm thực hiện các hoạt động chăm lo trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, hàng năm, xã đều có phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn vận động xã hội hóa để thực hiện cho công tác trẻ em. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và 2023, xã đã tặng 377 phần quà cho trẻ em trên địa bàn, với tổng giá trị hơn 110 triệu đồng.
Đối với các trường học trên địa bàn xã Long Trị, các hoạt động về công tác bảo vệ trẻ em cũng được tổ chức thường xuyên thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em… Riêng các đoàn thể tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, của mỗi gia đình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em qua buổi họp các chi, tổ nhóm, câu lạc bộ…
Theo Hội LHPN xã Long Trị, để nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân trong thực hiện việc chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, hội tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, truyền thông vận động xã hội cùng tham gia. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của người bà, người mẹ trong giáo dục, chăm sóc con cháu; nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cho cha mẹ trong việc nuôi dạy con tốt. Nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ đã được thành lập như: Mô hình “Bà và cháu”, “Cùng con đến trường”, Câu lạc bộ “3 sinh 2 không”...
“Chúng tôi vừa thành lập Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình” ấp 2. Định kỳ hàng tháng, câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt, trong đó có truyền thông sâu rộng đến các thành viên những nội dung cơ bản về giới và bình đẳng giới; chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em; công tác phòng, ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đến nay, toàn xã đã thành lập 3 địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Trị, cho biết.
Tại xã Long Bình, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn xã quan tâm thực hiện. Toàn xã hiện có 850 trẻ em dưới 16 tuổi, có 52 trẻ em nữ, 1 trẻ em mồ côi. Đến nay, trẻ em mồ côi đã có đơn vị nhận đỡ đầu chăm lo. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kỹ năng về phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em nên trong 2 năm qua, địa phương không xảy ra tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đoàn giám sát của Hội LHPN thị xã đánh giá, nhìn chung, trong năm 2022, 2023, các địa phương đều quan tâm thực hiện tốt chính sách về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy, các địa phương còn gặp khó trong việc phân bổ kinh phí từ ngân sách cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hiện nay, kinh phí thực hiện các hoạt động này chủ yếu từ vận động các tổ chức, cá nhân nên chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Để thực hiện tốt hơn công tác này, Đoàn giám sát kiến nghị thời gian tới, UBND các xã cần chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nắm bắt tình hình phụ nữ, trẻ em ở địa phương. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục phụ nữ và trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại…
Bài, ảnh: QUỲNH LAM