Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024,ếtngườilaođộngvẫnmuốntăngcađểcthmthunhậ7m tỷ số nhiều người lao động vẫn cố gắng làm tăng ca để có được một cái Tết ấm no.
Cầm trên tay hơn 5 triệu đồng tiền thưởng Tết, thế nhưng anh Nguyễn Huy Mạnh công nhân khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) vẫn chưa yên tâm chuẩn bị nghỉ Tết: “Cuối năm anh em công nhân chỉ mong tăng ca để có thêm thu nhập, còn dựa vào lương thưởng Tết cũng chưa thể đủ chi tiêu”.
Anh Mạnh chia sẻ, cả năm qua số lượng đơn hàng giảm mạnh so với năm trước, công ty anh đã sa thải gần 1 nửa lao động. Hầu hết các tháng trong năm người đều chỉ làm việc đến thứ 6 thay vì làm hết ngày thứ 7 như thông thường. Mỗi dịp lễ, nếu ngày nghỉ gần với cuối tuần, công nhân đều được nghỉ sớm, nghỉ gộp kéo dài.
“Cả năm qua chúng tôi chỉ mong được đi làm thứ 7, chủ nhật, được tăng ca nhưng hiếm lắm mới có tháng nhiều đơn hàng để làm. Có những thời điểm quá ít đơn hàng, dù là giữa tuần công ty cũng cho nghỉ. 2 tháng giáp Tết, số lượng đơn hàng tăng nhiều hơn, công nhân nhà máy ai cũng phấn khởi. Dù làm việc từ sáng đến 8, 9h tối, mệt, vất vả nhưng mọi người đều phấn khởi, hào hứng vì có thể kiếm thêm thu nhập”, anh Mạnh chia sẻ.
Theo anh Mạnh, nếu làm tăng ca thường xuyên, mỗi tháng anh nhận được khoảng hơn 10 triệu đồng. Những tháng ít việc, mức lương chỉ loanh quanh ở mức 5-6 triệu đồng/tháng. Nhà có 3 con nhỏ, vợ anh Mạnh lại vẫn đang trong thời gian nghỉ thai sản, chi phí sinh hoạt, học tập của các con không nhỏ, bởi vậy, giáp Tết nhưng anh Mạnh cũng vẫn mong thật nhiều việc để có thể tăng ca kiếm thêm nhu nhập. “Kể cả có việc làm đến sáng 30, có lẽ nhiều người cũng đồng ý, vì những ngày lễ mức lương nhận được sẽ cao hơn”, anh Mạnh nói.
Dù không mong được nghỉ Tết sớm, nhưng chị Nguyễn Thị Vân (Nam Sách, Hải Dương) lại được nghỉ Tết từ ngày 15 tháng Chạp, tức trước Tết nửa tháng.
Cuối năm người lao động vẫn muốn tăng ca để có thêm thu nhập ngày Tết(Ảnh minh họa)
Làm việc tại một xưởng may thời trang thiết kế gần nhà, cả năm qua công việc của chị Vân lúc làm lúc nghỉ. Có những tháng chị chỉ được làm nửa tháng, có tháng nhiều nhất thì đi làm được khoảng 20 ngày. Cũng bởi vậy mức lương của chị Vân không ổn định, tháng vài ba triệu, tháng nào nhiều lắm thì được đến 6 triệu đồng.
“Tôi có con nhỏ, chồng đi làm ăn xa, nên phải chấp nhận làm gần nhà thay vì vào các khu công nghiệp. Nhưng công việc bấp bênh, mức lương lại thấp. Làm ở đây gần 7 năm, nhưng vài năm gần đây công việc ít hẳn. Cuối năm chỉ mong được tăng ca làm thêm giờ nhưng lại được nghỉ Tết sớm cả nửa tháng. Đến thời điểm này vẫn chưa thấy xưởng may thông báo gì về thưởng Tết. Người lao động đều biết năm nay kinh tế khó khăn, nên chỉ mong có việc là tốt, không dám mơ nhiều đến thưởng Tết”, chị Vân chia sẻ.
Những ngày này, chị Vân chuyển sang bán các mặt hàng thiết yếu dịp Tết với mong muốn có thêm thu nhập cho một cái Tết sung túc hơn.
Chị Nguyễn Thị Miền, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cũng đang tranh thủ làm tăng ca những ngày cuối năm để kiếm thêm tiền về quê tiêu Tết.
“Gia đình tôi có 2 vợ chồng cùng rời quê nhà Nghệ An ra Hà Nội làm công nhân. Nhưng từ đầu năm đến nay mỗi tháng chắt chiu lắm cũng chỉ gửi về nhà được khoảng 3-5 triệu, có tháng may ra thì đủ tiền nuôi 2 con ăn học. Nhà xa, đi lại tốn kém, nên cũng chỉ đến Tết hay những dịp được nghỉ lễ dài ngày vợ chồng tôi mới về quê, con cái ở nhà đều nhờ ông bà chăm sóc. Tết về nhà là niềm mong ước cả năm, thế nhưng cũng lắm nỗi lo. Tết nội, tết ngoại, tiền sắm sửa Tết… đủ thứ tiền trong khi mức lương thưởng Tết lại thấp”, chị Miền nói.
Chia sẻ về mong ước khi bước sang năm mới, chị Miền cũng như nhiều người lao động khác đều mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập được cải thiện để phần nào bù đắp những chi phí sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống.
Nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động
Để chăm lo Tết cho người lao động, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành nguồn lực nhất định để thăm hỏi người lao động trên 63 tỉnh, thành phố với khoảng trên 19.000 phần quà. Mỗi phần quà gồm tiền mặt và quà trị giá 300.000 đồng là lương thực, sản phẩm thiết yếu.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết năm 2024 có nhiều chương trình chăm lo Tết cho người lao động(Ảnh: KT)
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực cũng như kết dư từ các năm trước, tính toán phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên người lao động tại đơn vị mình để chăm lo Tết cho người lao động. Tổng Liên đoàn dành ra một khoản để chăm lo Tết cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà khoảng 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, chương trình chợ Tết cho người lao động năm 2024 cũng có những đổi mới. Ngoài việc tổ chức các chợ Tết công đoàn trực tiếp như mọi năm, năm nay sẽ có thêm chợ Tết công đoàn qua các sàn thương mại online. Người lao động sẽ được nhận voucher trị giá 300.000 đồng để mua hàng trên “chợ online”.
Với những lao động xa quê, ông Phan Văn Anh cho biết, Tổng Liên đoàn đã làm việc với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và đăng ký các chuyến tàu công đoàn để đưa khoảng 2.000 đoàn viên, người lao động về quê ăn Tết và đón trở lại sau Tết. Ngoài các chuyến tàu về quê, cũng có 3 chuyến bay không đồng đưa người lao động khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương về ăn Tết ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội.
“Tổ chức công đoàn cũng đã làm việc với ngành đường sắt, hàng không để chuẩn bị phòng đón tiếp người lao động khi chờ, chuẩn bị về quê ăn Tết, thiệp chúc mừng, các chương trình giao lưu tạo không khí sôi nổi, đầm ấm. Khi người lao động tới nơi, chúng tôi cũng chỉ đạo liên đoàn cơ sở phối hợp với các nhà tài trợ đón người lao động ở các sân ga, sân bay, mỗi người sẽ được nhận thêm một phần quà 300.000 đồng”, ông Phan Văn Anh thông tin.
Theo NGUYỄN TRANG (vov.vn)