Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động cắt giảm,Ấnđịnhcắtgiảmítnhấtchiphíđiềukiệeyupspor đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 68/NQ-CP). Cắt giảm ngay rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh Đây là động thái được các chuyên gia kinh tếđánh giá là quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành phải thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh gồm quy định về thủ tục hành chính (bao gồm cả quy định về báo cáo); quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh; quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu; quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên thực tế, bắt đầu từ năm 2014, năm nào Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/NQ-CP) trong đó đều yêu cầu các bộ ngành phải mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giấy phép kinh doanh với mục tiêu đặt ra là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nhiều bộ ngành rất quyết liệt trong việc cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh như Bộ Công thương là một điển hình. Nhưng cũng không thể phủ nhận vẫn còn không ít bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh còn hình thức. Không cắt giảm điều kiện, thủ tục một cách máy móc Theo ông Lâm, điều kiện kinh doanh cũng như giấy phép, hoạt động thanh tra, kiểm tra là công cụ quản lý nhà nước. Các công cụ này phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công cụ quản lý nhà nước phải nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nhưng trên thực tế hiện vẫn còn rất nhiều công cụ gây phiền hà, phiền nhiễu, không cần thiết, cản trở sự phát triển hoạt động của xã hội nói chung, hoạt động đầu tư, kinh doanh nói riêng. Đây là lý do vì sao kể từ năm 2014 đến nay năm nào Chính phủ cũng phải ban hành nghị quyết yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Ông Lâm cho rằng, nhiều thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh phù hợp với trình độ quản lý nhà nước của giai đoạn trước nhưng bây giờ không còn phù hợp nữa, không còn cần thiết thì phải cắt giảm ngay. Ngoài ra, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, mạng Internet nên điều kiện kinh doanh của nhiều lĩnh vực đã có sự thay đổi thì buộc phải cắt giảm, đơn giản hóa hoặc sửa đổi, bổ sung. “Giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật là công cụ quản lý nhà nước nên phải thường xuyên rà soát xem cái nào cần cắt, cái nào cần giảm, cái nào cần giữ lại, thậm chí cái nào cần phải ban hành thêm để bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả trên nguyên tắc thúc đẩy phát triển chứ không phải là kìm hãm sự phát triển, tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa không có nghĩa là cắt giảm một cách máy móc điều kiện, thủ tục, kiểm tra chuyên ngành”, ông Lâm nhấn mạnh và cho rằng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, mặc dù từ năm 2014 đến nay năm nào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh các loại nhưng việc cắt giảm, bãi bỏ… không bao giờ kết thúc nên vẫn phải làm thường xuyên, liên tục. “Hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế nên có nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, đầu tư mới xuất hiện, chưa có tiền lệ vì thế trong giai đoạn đầu vẫn cần phải có điều kiện, giấy phép để quản lý và sau một thời gian thực hiện phải tiến hành rà soát lại để đơn giản hóa, không còn cần thiết nữa thì phải bãi bỏ, đặc biệt với những điều kiện, quy định phiền hà, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp”, ông Thúy phát biểu. |