Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài,âuchuyệnđivàonăngsuấtchấtlượngcủadoanhnghiệ7m.cn.liver Công ty Điện lực Sơn La, Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty TNHH ROBOT, Xí nghiệp Tân Á (thuộc Cadivi) hoặc như tại Bộ Công Thương… là những đơn vị điển hình về việc đẩy mạnh áp dụng và phát huy hiệu quả của 5S trong thực tế công việc.
Những câu chuyện điển hình về 5S
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay áp dụng 5S vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành ngày càng tăng mạnh. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng thể thiện quyết tâm muốn khẳng định mình, cải thiện năng suất, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đặt ra.
Áp dụng 5S vào hoạt động, giúp doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn. Ảnh minh họa
Ở mỗi đơn vị như vậy, dù câu chuyện về 5S được kể khác nhau nhưng “sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” là những nội hàm của 5S vẫn được đảm bảo thực hiện chặt chẽ.
Theo ông Lê Quang Thái - Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, với việc Trung tâm Năng suất Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trao Chứng chỉ thực hành tốt 5S, chỉ sau một thời gian triển khai, chương trình đã thành công ngoài mong đợi.
“5S đi vào từng ngăn tủ, từng hộp đựng hồ sơ, sổ sách. Ngăn tủ quy định rõ vị trí cặp hồ sơ, thiết bị để mọi người đều dễ nhận dạng. Trong từng cặp hồ sơ có chi tiết thứ tự và nội dung danh mục giúp tra cứu, tìm tài liệu vô cùng dễ dàng. Nếu trước đây, tìm một tài liệu mất rất nhiều thời gian thì nay có thể chỉ trong 30 giây. Đây là điều kỳ diệu nhất, giúp giảm chi phí phát sinh từ việc tìm kiếm tài liệu, sắp đặt, vận chuyển, thay thế thiết bị, chi phí lưu kho, sàng lọc tài liệu lỗi thời và vật dụng hết giá trị”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, ứng dụng 5S không chỉ tạo cho công ty môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, an toàn hơn mà còn giúp mỗi cán bộ, công nhân viên (CBCNV) có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, 5S còn giúp PC Sơn La thay đổi hình ảnh trong mắt đồng nghiệp, khách hàng. Đặc biệt tạo được sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp, coi nơi làm việc như “mái nhà chung”.
Hoặc như tại Công ty Traphaco, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban 5S bà Hoàng Thị Rược vui mừng cho biết, kinh phí để triển khai Thực hành tốt 5S không lớn, vì chương trình không tập trung vào đầu tư trang thiết bị mà chủ yếu là cải tiến các hoạt động: sàng lọc, sắp xếp lại hồ sơ, tài liệu tại khu vực văn phòng; vệ sinh, bảo dưỡng máy móc tại khu vực nhà xưởng, giảm thiểu lãng phí từ khâu sử dụng không gian chưa hợp lý, sắp xếp lại nhà xưởng, kho bãi,… Điều quan trọng là Ban 5S phải tâm huyết và dành thời gian theo dõi và giám sát công tác triển khai. Ngoài ra, sự cam kết và hỗ trợ từ phía lãnh đạo Công ty sẽ không thể thiếu để Chương trình 5S được triển khai thành công và duy trì một cách hiệu quả nhất.
Sản phẩm lưu kho của Công ty Traphaco được sắp xếp gọn gàng trên giá với những dấu hiệu dễ nhận biết. Ảnh: N. N
Nhỏ bé như Xí nghiệp Tân Á (thuộc Cadivi), ngoài các khẩu hiệu lớn về 5S được treo ở những nơi dễ thấy nhất trong khuôn viên xí nghiệp, mỗi nhóm sản xuất còn đặt ra các khẩu hiệu nhỏ theo từng nhóm sản xuất để công nhân nhìn thấy mỗi ngày mà duy trì. Việc sàng lọc, sắp xếp hàng ngàn thiết bị sản xuất theo phương châm “dễ thấy - dễ lấy - dễ trả lại” để tránh mất thời gian tìm kiếm, giảm thiểu thao tác phụ.
Không giống như các doanh nghiệp khác, tại Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài, 5S được đưa vào áp dụng từ đầu năm 2012 và không cần có sự gượng ép nào từ ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp. Chính những người trẻ, những cán bộ, công nhân viên của công ty thực hiện 5S dưới sự “quán xuyến” của Đoàn thanh niên Công ty. Sau thời gian ngắn áp dụng, đến nay 5S là một trong những chương trình hữu hiệu đối với các hoạt động sản xuất, góp phần duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, tăng tính chủ động, tích cực trong kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ của Công ty.
Khen thưởng kịp thời các đơn vị làm 5S tốt nhất
Đó là câu chuyện thực tế ở Bộ Công Thương. Trong năm 2012, bộ này đã tiến hành bình chọn và đánh giá những doanh nghiệp làm 5S tốt nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, ở Bộ Công Thương, cùng với việc triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, việc xây dựng, áp dụng và triển khai 5S tại cơ quan Bộ đã được tiến hành từ năm 2009 với mục tiêu: xây dựng, duy trì một môi trường làm việc, đặc biệt là phòng làm việc, sạch đẹp, thoáng đãng, tài liệu được sàng lọc, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Việc triển khai và thực hiện tốt 5S giúp cải thiện môi trường làm việc, đồng thời, tiết kiệm được thời gian tra cứu, tìm kiếm tài liệu, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng công việc.
Quy trình làm việc ở Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài đã thay đổi từ khi có 5S. Ảnh: N. N
Thậm chí Bộ Công Thương còn trao phần thưởng cho các đơn vị áp dụng 5S tốt nhất năm 2012. Trong đó, 02 đồng giải nhất thuộc về Vụ Chính sách thương mại đa biên và Vụ Pháp chế; giải nhì thuộc về Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và 2 đồng giải ba là Vụ Thi đua - Khen thưởng và Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương.
Hướng vào 5S để tạo nên sự khác biệt
Khi nói đến 5S nhiều người thường liên tưởng tới công việc làm vệ sinh truyền thống. Để phân biệt việc làm vệ sinh truyền thống với việc áp dụng 5S trong doanh nghiệp, Trung tâm năng suất Việt Nam cho rằng, cần hiểu rõ hai khái cơ bản.
Làm vệ sinh truyền thống thường là tập trung làm cho nhà máy, phân xưởng trở nên sạch đẹp trong mắt người khác mỗi khi có khách đến tham quan, làm việc, trong khi 5S không chỉ gây ấn tượng cho người tiếp xúc mà còn tập trung vào việc tạo ra một môi trường làm việc gọn gàng, khoa học, an toàn và thuận tiện, giúp nhân viên và người lao động có thể đạt được năng suất lao động cao hơn nhờ phong cách làm việc chuyên nghiệp cũng như tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt để cung cấp cho khách hàng;
Làm vệ sinh truyền thống thường bắt đầu và kết thúc bằng việc làm sạch nơi làm việc chỉ cần có đầy đủ các dụng cụ vệ sinh và đôi tay là chúng ta có thể thực hiện được. 5S chỉ bắt đầu làm vệ sinh sau khi đã loại bỏ tất cả các vật dụng không cần thiết ra khỏi nơi làm việc và sắp xếp tổ chức lại sao cho gọn gàng, thuận tiện nhất theo quy tắc dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy và dễ trả lại, đòi hỏi phải có sự thay đổi về chính sách, cần phải có sự quyết tâm cao từ ban lãnh đạo và sự tham gia của toàn thể cán bộ, công nhân viên lao động. Nếu làm vệ sinh cho cả những vật dụng không cần thiết thì thật là lãng phí vô cùng, lãng phí cả về thời gian và công sức nhiều khi chúng không thể tính được bằng tiền;
Làm vệ sinh truyền thống hầu như chỉ được thực hiện khi có tác động bên ngoài vào, ví dụ như khi được thông báo có khách đến thăm quan, có nhân viên/ khách hàng than phiền về vệ sinh nơi làm việc hoặc đến khi có sự cố về tai nạn lao động…Trong khi đó 5S là một chương trình có tính liên tục, lâu dài không cần phải có sự tác động từ bên ngoài vào. 5S được thực hiện và duy trì hàng ngày cho dù khách có đến thăm quan hay không. Một doanh nghiệp áp dụng thành công chương trình 5S là doanh nghiệp luôn ở trạng thái sẵn sàng đón khách thăm quan, giống như phòng triển lãm hay trưng bày sản phẩm luôn luôn chào đón khách đến thăm quan mà không cần phải thông báo trước. Điều đó sẽ đem lại môi trường làm việc tốt cho cán bộ nhân viên trong công ty, đồng thời tạo ấn tượng tốt và lòng tin khi khách hàng đến tham quan doanh nghiệp.
Nguyễn Nam